HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Huy động hàng trăm công nhân làm việc liên tục trong hơn 1 triệu giờ: Tháo dỡ thành công siêu tàu nặng 114.000 tấn từng là thảm kịch hàng hải khiến hơn 4.000 người mắc kẹt

Mộng Kha

(Thị trường tài chính) - Tổng chi phí trục vớt khoảng 2 tỷ USD, gấp 3 lần chi phí đóng tàu, khiến đây trở thành một trong những chiến dịch tốn kém nhất lịch sử hàng hải.

Tối ngày 13/1/2012, thế giới bàng hoàng trước thảm kịch được ví như "vụ Titanic thời hiện đại" khi tàu du lịch Costa Concordia gặp nạn. Trong hành trình quanh Địa Trung Hải, con tàu dài 290m, nặng 114.500 tấn này đã va vào bãi đá ngầm gần đảo Isola del Giglio, Italy. Trên tàu lúc đó có 4.229 người, bao gồm hành khách và thủy thủ đoàn, phần lớn là người Italy. Thảm kịch khiến 32 người thiệt mạng và hàng nghìn người mắc kẹt hoảng loạn. Lịch sử bi thảm này được ví như "Titanic của Italy".

Huy động hàng trăm công nhân làm việc liên tục trong hơn 1 triệu giờ: Tháo dỡ thành công siêu tàu nặng 114.000 tấn từng là thảm kịch hàng hải khiến hơn 4.000 người mắc kẹt - ảnh 1

Costa Concordia

Trong hành trình quanh Địa Trung Hải, con tàu dài 290m, nặng 114.500 tấn này đã va vào bãi đá ngầm gần đảo Isola del Giglio, Italy (Ảnh: Daily Sabah)

Khi hạ thủy năm 2005, Costa Concordia trở thành niềm tự hào của ngành du lịch biển Italy với danh hiệu con tàu du lịch lớn nhất nước. Ngoài ra, Concordia còn nổi tiếng nhờ sự xa hoa vượt bậc, sở hữu 4 hồ bơi, một sòng bạc cùng spa lớn nhất từng có trên tàu biển. Tháng 7/2006, Concordia thực hiện chuyến đi đầu tiên, kéo dài bảy ngày qua Địa Trung Hải, ghé thăm các cảng tại Italy, Pháp và Tây Ban Nha và đây đã trở thành tuyến hành trình quen thuộc của nó.

Tối ngày 13/1/2012, tàu Costa Concordia rời cảng Civitavecchia, Italy, chở theo 1.023 thành viên phi hành đoàn và 3.206 hành khách. Khi tiến gần đảo Giglio vài giờ sau đó, con tàu rời khỏi lộ trình thông thường để thực hiện "chào hàng hải" – một truyền thống phổ biến, trong đó tàu sẽ thổi còi chào đảo. Concordia từng nhiều lần thực hiện nghi thức này trong quá khứ. Tuy nhiên, vùng biển quanh đảo Giglio nổi tiếng với các mỏm đá ngầm nguy hiểm.

Lúc này, thuyền trưởng Francesco Schettino, ra lệnh đổi hướng khi phát hiện mỏm đá chắn lối đi. Tuy nhiên, do sự cố giao tiếp giữa Schettino và người lái tàu Indonesia, tàu đã bị điều hướng sai hướng. Mất 13 giây để điều chỉnh lại, nhưng chỉ kịp cứu phần mũi tàu. Các lệnh điều hướng mâu thuẫn trên cầu tàu càng làm tình hình thêm rối loạn. Concordia sau đó trôi dạt và cuối cùng mắc cạn gần bờ, đánh dấu thảm kịch hàng hải đau thương nhất lịch sử Italy.

Huy động hàng trăm công nhân làm việc liên tục trong hơn 1 triệu giờ: Tháo dỡ thành công siêu tàu nặng 114.000 tấn từng là thảm kịch hàng hải khiến hơn 4.000 người mắc kẹt - ảnh 3
Vùng biển quanh đảo Giglio nổi tiếng với các mỏm đá ngầm nguy hiểm. (Ảnh: Daily Sabah)

Đảo Giglio nằm trong khu vực biển được bảo vệ, nên việc xử lý xác tàu Costa Concordia sau tai nạn không chỉ là vấn đề an toàn mà còn là thách thức lớn về môi trường. Với con tàu nằm chênh vênh trên rìa vách đá ngầm, nguy cơ trượt và vỡ, gây tràn dầu, khiến giới chức lo ngại. Để ngăn chặn thảm họa này, từ tháng 2/2012, các phao chắn dầu đã được triển khai quanh xác tàu và hơn 2.000 tấn nhiên liệu được hút bỏ hoàn toàn vào tháng 3/2012.

Công tác di dời Concordia cũng nhanh chóng được khởi động, trở thành chiến dịch trục vớt lớn nhất lịch sử. Đến tháng 9/2013, sau 19 giờ nỗ lực, con tàu nặng 114.000 tấn được đưa về vị trí thẳng đứng bằng hệ thống bệ ngầm. Đến tháng 7/2014, Concordia được gắn các thùng thép làm thiết bị nổi và kéo về cảng Genoa để tháo dỡ.

Huy động hàng trăm công nhân làm việc liên tục trong hơn 1 triệu giờ: Tháo dỡ thành công siêu tàu nặng 114.000 tấn từng là thảm kịch hàng hải khiến hơn 4.000 người mắc kẹt - ảnh 4

Các phao chắn dầu đã được triển khai quanh xác tàu và hơn 2.000 tấn nhiên liệu được hút bỏ hoàn toàn vào tháng 3/2012. (Ảnh: Daily Sabah)

Được biết, FoundOcean đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nền móng vững chắc cho tàu Concordia. Họ thiết kế, sản xuất và bơm vữa vào 1.200 ván khuôn vải, tạo nên bờ kè lớn dưới tàu. Những tấm ván này hoạt động như lớp đệm, đảm bảo thân tàu ổn định khi được dựng thẳng. FoundOcean cũng xử lý việc bơm vữa cho sáu bệ đỡ bằng thép dưới biển, sử dụng tổng cộng 20.000 tấn xi măng.

Khi công việc bơm vữa hoàn tất, tàu Concordia được lăn thẳng đứng từ vị trí mắc cạn lên các tấm ván khuôn. Sau đó, các bể nổi được gắn vào thân tàu để hỗ trợ quá trình kéo về cảng. 

Theo thông tin trên Gcaptain, vào năm 2017, việc tháo dỡ và tái chế tàu du lịch Costa Concordia khét tiếng đã hoàn tất. Trong quá trình này, khoảng 53.000 tấn vật liệu đã được tái chế tại các cơ sở ở Ý. Hơn 350 công nhân làm việc liên tục gần như suốt ngày đêm, tổng cộng hơn một triệu giờ lao động, để đảm bảo tháo dỡ an toàn và thân thiện với môi trường.

Huy động hàng trăm công nhân làm việc liên tục trong hơn 1 triệu giờ: Tháo dỡ thành công siêu tàu nặng 114.000 tấn từng là thảm kịch hàng hải khiến hơn 4.000 người mắc kẹt - ảnh 5

Vào năm 2017, việc tháo dỡ và tái chế tàu du lịch Costa Concordia khét tiếng đã hoàn tất. (Ảnh: Gcaptain)

Được biết, tổng chi phí trục vớt khoảng 2 tỷ USD, gấp 3 lần chi phí đóng tàu vào năm 2004 (612 triệu USD), khiến đây trở thành một trong những chiến dịch tốn kém nhất lịch sử hàng hải. 

Nguồn tham khảo: Britannica, FoundOcean, Safety4sea, Daily Sabah.