HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Hướng dẫn thực hiện Thông tư mới của Bộ Y Tế: Không yêu cầu người bệnh quay lại cơ sở cũ xin cấp lại giấy chuyển tuyến

Mạnh Lân

(Thị trường tài chính) - Bộ Y tế mới đây đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư mới liên quan tới giấy chuyển tuyến, hẹn khám lại, tạo thuận lợi cho người bệnh BHYT.

Theo báo Sức khỏe & Đời sống, ngày 15/01/2025, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn thực hiện Thông tư số 01/2025/TT-BYT, gửi tới BHXH Việt Nam; Sở Y tế tỉnh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc, nhằm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT). 

Hướng dẫn này nhấn mạnh mục tiêu cải thiện trải nghiệm và bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, đặc biệt là việc thực hiện các thủ tục liên quan đến giấy chuyển tuyến và giấy hẹn khám lại.

Theo Thông tư số 01/2025/TT-BYT, các giấy chuyển tuyến hoặc giấy hẹn khám lại được cấp trước ngày Thông tư có hiệu lực vẫn tiếp tục được sử dụng. Cụ thể, người bệnh không cần quay lại cơ sở khám, chữa bệnh nơi đã chuyển tuyến để xin cấp lại giấy chuyển tuyến theo mẫu mới.

Hướng dẫn thực hiện Thông tư mới của Bộ Y Tế: Không yêu cầu người bệnh quay lại cơ sở cũ xin cấp lại giấy chuyển tuyến - ảnh 1

Hướng dẫn này nhấn mạnh mục tiêu cải thiện trải nghiệm và bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT (Hình minh họa)

 

Trong giai đoạn chuyển đổi, cả hai mẫu phiếu – theo quy định của Thông tư số 01/2025/TT-BYT và Nghị định số 75/2023/NĐ-CP – đều được công nhận và có giá trị ngang nhau để phục vụ việc khám, chữa bệnh BHYT và thanh toán chi phí. Thời hạn áp dụng song song hai mẫu giấy này kéo dài đến hết ngày 31/12/2025.

Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh nhanh chóng cập nhật phần mềm quản lý để tích hợp quy trình cấp phiếu theo mẫu mới, cũng như truyền dữ liệu thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT một cách đầy đủ và chính xác.

Thông tư số 01/2025/TT-BYT quy định rõ về thời hạn sử dụng của giấy chuyển tuyến và giấy hẹn khám lại. Các giấy được cấp trước ngày Thông tư có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến khi hết thời hạn được ghi trên giấy. Trường hợp giấy chuyển tuyến hết hạn vào đầu năm 2025 nhưng người bệnh vẫn đang điều trị tại cơ sở y tế, giấy này sẽ được tiếp tục sử dụng cho đến khi kết thúc đợt điều trị.

Tên cơ quan chủ quản được ghi trên phiếu chuyển tuyến và hẹn khám lại cũng cần phù hợp với cơ sở khám, chữa bệnh. Ví dụ, cơ sở thuộc Sở Y tế sẽ ghi đơn vị chủ quản là Sở Y tế, còn bệnh viện tư nhân sẽ ghi tên công ty quản lý.

Hướng dẫn thực hiện Thông tư mới của Bộ Y Tế: Không yêu cầu người bệnh quay lại cơ sở cũ xin cấp lại giấy chuyển tuyến - ảnh 2

Việc đồng thời sử dụng hai mẫu giấy chuyển tuyến và giấy hẹn khám lại trong thời gian chuyển đổi giúp giảm bớt áp lực thủ tục hành chính cho cả người bệnh lẫn cơ sở y tế (Hình minh họa)

Từ ngày 01/01/2025, khi cấp mới giấy chuyển tuyến BHYT, thông tin trên giấy cần tuân thủ danh mục bệnh và mã bệnh ban hành kèm theo phụ lục III của Thông tư số 01/2025/TT-BYT. Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi của người bệnh, đồng thời hỗ trợ quá trình giám định và thanh toán chi phí được minh bạch, thuận lợi hơn.

Bộ Y tế yêu cầu Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chỉ đạo các đơn vị BHXH trên toàn quốc thực hiện nghiêm túc các quy định của Thông tư 01/2025/TT-BYT, bao gồm cả việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo hai mẫu phiếu trong giai đoạn chuyển giao. Sở Y tế tại các địa phương cần giám sát, kiểm tra và hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện đúng quy định, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Việc đồng thời sử dụng hai mẫu giấy chuyển tuyến và giấy hẹn khám lại trong thời gian chuyển đổi giúp giảm bớt áp lực thủ tục hành chính cho cả người bệnh lẫn cơ sở y tế. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc khám, chữa bệnh, tránh gây phiền phức không đáng có cho người tham gia BHYT, đặc biệt là những người ở vùng sâu, vùng xa hoặc những trường hợp sức khỏe yếu không thể di chuyển nhiều.

Bộ Y tế nhấn mạnh rằng các cơ sở y tế cần nghiêm túc triển khai quy định mới để đảm bảo quyền lợi người bệnh và nâng cao hiệu quả hệ thống y tế. Những thay đổi này không chỉ giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế một cách dễ dàng mà còn nâng cao tính minh bạch, công bằng trong quản lý và thanh toán chi phí BHYT trên toàn quốc.