HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

‘Hồi sinh’ loài cây quý hiếm bậc nhất thế giới từ hạt giống nghìn năm tuổi ở sa mạc

Hải Châu

Loài cây này có thể thuộc giống cây đã tuyệt chủng trong Kinh thánh.

Các nhà khoa học đã thành công trong việc hồi sinh một hạt giống cổ đại “Sheba”, có niên đại khoảng 1.000 năm được phát hiện ở sa mạc Judean. Theo các chuyên gia, cây mọc từ hạt giống này có thể thuộc về một giống cây đã tuyệt chủng và từng được nhắc đến trong Kinh thánh.

‘Hồi sinh’ loài cây quý hiếm bậc nhất thế giới từ hạt giống nghìn năm tuổi ở sa mạc  - ảnh 1

Tiến sĩ Sarah Sallon cùng hạt giống bí ẩn đã nảy mầm thành cây. Ảnh: InsightFun/X

Hành trình hồi sinh cây này kéo dài gần 14 năm, bắt đầu từ khi các nhà khảo cổ khai quật được hạt giống từ một hang động ở khu vực sa mạc vào cuối những năm 1980. Để tưởng nhớ về nguồn gốc cổ xưa, nhóm nghiên cứu đặt tên cho hạt giống này là “Sheba”, lấy cảm hứng từ Nữ hoàng của xứ Sheba, vương quốc cổ đại phía tây nam Ả Rập từ khoảng 1.000 năm trước Công nguyên.

Quá trình nuôi dưỡng "Sheba" được thực hiện bởi bà Elaine Solowey thuộc Trung tâm Nông nghiệp bền vững của Viện Nghiên cứu Môi trường Arava, Israel. Hạt giống được ngâm trong nước, bổ sung hormone và phân bón trước khi được gieo vào đất vô trùng. Sau khoảng 5 tuần, một mầm cây nhỏ bắt đầu nảy chồi, đánh dấu sự thành công của quá trình hồi sinh.

Bà Sarah Sallon, Tiến sĩ tại Trung tâm y tế Đại học Hadassah ở Jerusalem và cũng là trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng đây là một thành tựu đáng chú ý trong việc bảo tồn các giá trị sinh học từ thời cổ đại.

Sau khi cây bắt đầu mọc lá, các nhà nghiên cứu đã thực hiện quá trình xác định niên đại bằng phương pháp cacbon, cho thấy hạt giống này có từ khoảng năm 993 đến 1202 sau Công nguyên. Bà Sallon sau đó đã gửi hình ảnh của cây và lá tới các nhà thực vật học trên toàn thế giới. Một số nhà khoa học nhận định loài cây này có thể thuộc chi Commiphora, một nhóm cây thường phát triển ở châu Phi, Madagascar và bán đảo Arab.

‘Hồi sinh’ loài cây quý hiếm bậc nhất thế giới từ hạt giống nghìn năm tuổi ở sa mạc  - ảnh 2

Việc hồi sinh loài cây này là một thành tựu đáng chú ý trong việc bảo tồn các giá trị sinh học từ thời cổ đại. Ảnh: Internet

Tiếp theo, các nhà nghiên cứu đã gửi mẫu lá đến giáo sư Andrea Weeks tại Đại học George Mason, Mỹ, để giải mã DNA. Tuy nhiên, kết quả giải mã cho thấy loài cây này không trùng khớp với bất kỳ loài Commiphora nào hiện có trong cơ sở dữ liệu, từ đó, dẫn đến giả thuyết rằng hạt giống này có thể thuộc về một loài đã tuyệt chủng từ lâu, có nguồn gốc ở khu vực sa mạc Judean.

Cây Sheba hiện đã được hơn 14 năm tuổi và cao gần 3 mét, nhưng vẫn chưa ra hoa hay kết quả. Điều này khiến các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác loài cây bí ẩn này.

Theo các nhà nghiên cứu, cây này có thể liên quan đến một loại dầu thơm tên là "tsori" được đề cập trong Kinh thánh. Dầu thơm này được cho là có tác dụng chữa bệnh và có nguồn gốc từ nhựa cây của vùng Gilead, phía đông sông Jordan và bắc Biển Chết. Nếu điều này được xác nhận, cây Sheba có thể chính là manh mối giải đáp bí ẩn về nguồn gốc của Balm of Gilead - một loại dầu thơm quý hiếm trong thời cổ đại.

Dù chưa ra hoa, phân tích hóa học trên lá và nhựa cây cho thấy Sheba chứa nhiều triterpenoid pentacyclic, một hợp chất sinh học có đặc tính chống viêm và chống ung thư. Cây cũng chứa lượng lớn squalene, một chất tự nhiên có khả năng chống oxy hóa và làm mịn da, gợi mở tiềm năng ứng dụng y học trong tương lai.

Dù nghiên cứu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhóm nghiên cứu cho biết vẫn cần nhiều thời gian hơn để tìm hiểu đầy đủ về loài cây quý hiếm này cũng như các hợp chất đặc biệt trong thân và lá của nó.