HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Giải thưởng hơn 115 tỷ đồng của ông Phạm Nhật Vượng chính thức tìm được chủ nhân

Thùy Dung

(Thị trường tài chính) - Cụ thể, Lễ trao giải VinFuture 2024 đã diễn ra trang trọng tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội vào tối ngày 6/12.

Với thông điệp ý nghĩa "Bứt phá kiên cường", VinFuture 2024 tôn vinh những đóng góp khoa học mang tính đột phá qua 4 hạng mục giải thưởng. Cơ cấu giải thưởng bao gồm 01 giải chính trị giá 3 triệu USD (hơn 76 tỷ đồng) và 03 giải đặc biệt trị giá 500 nghìn USD (gần 13 tỷ đồng) mỗi giải, dành cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các quốc gia đang phát triển và những nhà nghiên cứu ở các lĩnh vực mới.

Với trị giá 3 triệu USD, giải thưởng chính VINFUTURE GRAND PRIZE 2024 được trao nhằm tôn vinh những cống hiến mang tính cách mạng trong lĩnh vực học sâu (deep learning) của 5 nhà khoa học xuất sắc. Danh sách những người nhận giải gồm Giáo sư Yoshua Bengio (Canada), Giáo sư Geoffrey E. Hinton (Canada), ông Jensen Huang (Mỹ), Giáo sư Yann LeCun (Mỹ), và Giáo sư Fei-Fei Li (Mỹ).

Những cá nhân xuất sắc này đã mở ra một kỷ nguyên mới cho công nghệ trí tuệ nhân tạo, tiên phong trong việc phát triển các giải pháp cho phép máy móc học từ khối lượng dữ liệu khổng lồ. Các tiến bộ của họ không chỉ nâng cao độ chính xác trong nhận diện hình ảnh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và ra quyết định mà còn định hình tương lai của công nghệ thông minh trên toàn cầu.

Vì lý do sức khỏe và gia đình, Giáo sư Geoffrey E. Hinton và Giáo sư Fei-Fei Li không thể có mặt tại lễ trao giải để nhận vinh dự này.

Giải thưởng hơn 115 tỷ đồng của ông Phạm Nhật Vượng chính thức tìm được chủ nhân - ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao giải thưởng cao nhất trị giá 3 triệu USD cho các nhà khoa học. Ảnh: Dân Việt

Chia sẻ cảm xúc khi nhận được giải thưởng danh giá nhất, CEO Nvidia phát biểu: "Tôi rất vinh dự khi nhận được giải thưởng này, giải thưởng dành cho những người đồng nghiệp của tôi tại Nvidia trong 30 năm vừa qua đã cống hiến cuộc đời, sự nghiệp của mình cho khoa học máy tính".

Bên cạnh giải thưởng chính, Vinfuture còn trao tặng ba giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ, nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới. Danh sách cụ thể các giải thưởng như sau:

Giải thưởng nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển được trao cho nữ Tiến sĩ Firdausi Qadri đến từ Bangladesh với công trình "“Đổi mới cải tiến vắc-xin dạng uống ngừa bệnh tả ở các nước đang phát triển". Công trình của bà giúp chấm dứt bệnh dịch tả đang hoành hành trên toàn cầu.

Giải thưởng hơn 115 tỷ đồng của ông Phạm Nhật Vượng chính thức tìm được chủ nhân - ảnh 2
Tiến sĩ người Bangladesh Firdausi Qadri với công trình "Đổi mới cải tiến vaccine dạng uống ngừa bệnh tả ở các nước đang phát triển". Ảnh: Internet

Giải Đặc biệt VinFuture 2024 dành cho Nhà khoa học nữ được trao cho Giáo sư Kristi Anseth, nhà khoa học đến từ Mỹ, vì những tiến bộ trong thiết kế vật liệu polymer và các phương pháp ứng dụng y sinh. Công trình của Giáo sư Anseth đã tạo ra nền tảng cho các nghiên cứu tái tạo mô, mang lại hy vọng mới trong lĩnh vực y học tái tạo.

Giải thưởng VinFuture dành cho Nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực mới được trao cho ba nhà khoa học xuất sắc: Giáo sư Zelig Eshhar (Israel), Giáo sư Carl H. June (Mỹ) và Giáo sư Michel Sadelain (Mỹ).

Ra đời từ năm 2020 dưới sự khởi xướng của Quỹ VinFuture, giải thưởng VinFuture nhanh chóng khẳng định vị thế là một sân chơi quốc tế uy tín trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. VinFuture đặt mục tiêu cao cả: ghi nhận những sáng chế tiên phong, góp phần thay đổi cuộc sống của hàng triệu người, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững trên nhiều mặt trận như y học, năng lượng, trí tuệ nhân tạo (AI) và môi trường.

Trải qua ba mùa giải, VinFuture trở thành cầu nối giúp các nhà khoa học hàng đầu thế giới gặp gỡ, chia sẻ kiến thức và tìm kiếm cơ hội hợp tác toàn cầu. Tính đến năm 2024, sức hút của giải thưởng ngày càng tăng mạnh mẽ, thể hiện qua việc nhận được gần 1.500 đề cử từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, gấp 2,5 lần so với mùa đầu tiên. Những nghiên cứu xoay quanh các vấn đề cấp bách của thế giới, như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, y tế toàn cầu và ứng dụng AI, được kỳ vọng sẽ đạt thành công lớn trong năm nay.