Đến năm 2030, nơi có tỉnh đông dân, diện tích lớn nhất Việt Nam sẽ là 1 trong 6 khu vực động lực phát triển du lịch của cả nước
(Thị trường tài chính) - Bên cạnh lợi thế tự nhiên, 3 tỉnh này có bề dày truyền thống văn hóa với nhiều di sản vật thể, phi vật thể.
Vào ngày 18/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị trực tuyến đến điểm cầu các tỉnh, thành phố trong toàn quốc công bố Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao và Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Quy hoạch đã xác định phát triển không gian du lịch Việt Nam đến năm 2045 gồm 6 vùng, 3 cực tăng trưởng, 8 khu vực động lực, 5 hành lang du lịch chính, 11 trung tâm du lịch; hình thành hệ thống các Khu du lịch quốc gia cũng như địa điểm tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia. Cụ thể, xây dựng và hình thành 8 khu vực động lực phát triển du lịch để tập trung nguồn lực, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, lan tỏa, thúc đẩy những lợi ích và giá trị của du lịch.
Đến năm 2030, tập trung hình thành 6 khu vực động lực, gồm:
1- Khu vực động lực phát triển du lịch Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Ninh Bình.
2- Khu vực động lực phát triển du lịch Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh.
3- Khu vực động lực phát triển du lịch Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam
4- Khu vực động lực phát triển du lịch Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận - Bình Thuận.
5- Khu vực động lực phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Bà Rịa - Vũng Tàu.
6- Khu vực động lực phát triển du lịch Cần Thơ - Kiên Giang - Cà Mau.
Như vậy, đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa cùng với Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ trở thành 1 trong 6 khu vực động lực phát triển du lịch của Việt Nam. Khu vực động lực phát triển du lịch Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh sẽ tạo sự hỗ trợ theo hướng kết hợp đa dạng sản phẩm du lịch gắn với sinh thái, di sản thế giới, văn hóa lịch sử, tín ngưỡng với du lịch biển, du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng gắn với các dân tộc thiểu số vùng núi.
Liên kết du lịch giữa các tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh đã và đang giúp nhau đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển du lịch. Ảnh: Minh Hải
Bắc Trung Bộ nói chung, ba tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh nói riêng có vị trí quan trọng, tạo động lực, liên kết vùng trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Bên cạnh lợi thế tự nhiên, ba địa phương này còn có bề dày truyền thống văn hóa với nhiều di sản vật thể, phi vật thể. Hàng ngàn di tích dày đặc về mật độ, phong phú về loại hình, đa dạng về nội dung và quy mô; gắn với lịch sử, văn hóa của đất nước, văn hóa cư dân vùng biển, thể hiện truyền thống bất khuất, kiên cường qua các thời kỳ cách mạng của dân tộc như Thành Nhà Hồ, cầu Hàm Rồng, thành cổ Vinh, ngã ba Đồng Lộc, chùa Hương Tích, đền Cờn, đền Củi...