ĐBQH: Xem phim đang hấp dẫn tự dưng cắt ngang để quảng cáo, điều này hết sức vô duyên
(Thị trường tài chính) - Vị ĐBQH Đồng Tháp còn đánh giá thêm: "Điều này hết sức vô duyên, không tôn trọng khách hàng".
Theo thông tin từ Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, chiều 25/11, trong chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Tham gia phiên thảo luận, Đại biểu Phạm Văn Hòa, thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nêu ý kiến về việc cần đánh giá tác động chính sách nhằm tăng tính thuyết phục trong việc tăng tỷ lệ quảng cáo trên truyền hình từ 5-10%. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét kỹ lưỡng thời điểm phát quảng cáo để đảm bảo phù hợp với nội dung chương trình.
Đóng góp ý kiến về quảng cáo trên báo nói, báo hình, đại biểu Phạm Văn Hòa đề cập thời gian qua, có trường hợp xem phim, hoặc nội dung khác, khi đang tới chỗ hấp dẫn tự dưng cắt ngang chèn quảng cáo.
Cho rằng đây là điều “hết sức là vô duyên, không tôn trọng khách hàng”, đại biểu đề nghị cần quy định quảng cáo trong thời điểm nào cho phù hợp, “chứ tự nhiên người ta đang xem, cắt ngang nhào vô quảng cáo thì kỳ lắm”.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cũng bày tỏ quan điểm về quảng cáo trên báo nói và báo hình, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải cân bằng lợi ích khi thực hiện quảng cáo trên truyền hình.
Về quảng cáo trên báo nói, báo hình, đại biểu cho biết, Điều 22 của luật hiện hành được sửa như sau: “Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 05 phút. Mỗi chương trình phim truyện có thời lượng dưới 30 phút được ngắt để quảng cáo hai lần, cứ mỗi 15 phút tăng trong thời lượng chương trình được ngắt quảng cáo thêm 01 lần; mỗi lần ngắt để phát quảng cáo không quá 05 phút”.
Theo đại biểu, tổng một chương trình vui chơi giải trí 60 phút thì có 40 phút nội dung, 20 phút quảng cáo; tổng một chương trình phim truyện chiếu 60 phút thì 45 phút chiếu phim và 15 phút quảng cáo (quảng cáo 3 lần). Như vậy, thời lượng quảng cáo chiếm khoảng 1/3 thời lượng chương trình vui chơi giải trí/phim. Với quy định này dự thảo Điều 22 Luật Quảng cáo đã quy định rõ hơn phạm vi thời lượng quảng cáo đối với chương trình vui chơi giải trí/phim; gia tăng thời gian quảng cáo và số lần quảng cáo, tuy nhiên chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của người xem truyền hình.
Đại biểu cho rằng, để cân bằng được lợi ích giữa các Đài truyền hình với người sử dụng dịch vụ truyền hình, cần điều chỉnh quy định số lần ngắt, thời gian quảng cáo phù hợp với thời lượng các tập phim (như dự thảo là quá nhiều). Báo cáo tổng kết thi hành Luật Quảng cáo cần phải khảo sát về ý kiến của người xem truyền hình trong việc tăng thời lượng quảng cáo và số lần quảng cáo. Bên cạnh đó, việc quy định khống chế thời lượng quảng cáo là cần thiết, một chương trình giải trí hoặc 1 bộ phim không nên quá 1/5 thời lượng chương trình dành cho quảng cáo và ngắt không quá 2 lần.
Đối với quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử (Điều 23), đại biểu cho biết, dự thảo Luật Quảng cáo sửa theo hướng từ gia tăng “thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây” thành “phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 06 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 02 lần quảng cáo liên tiếp; cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp”. Điều này góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, các trang thông tin điện tử và báo điện tử. Tuy nhiên, lại ảnh hưởng trực tiếp đến độc giả, đối tượng sử dụng/tiếp cận thông tin. Vì vậy, theo đại biểu, việc tăng thời hạn cho phép đóng, mở quảng cáo cần được thực hiện sau khi đã đánh giá và khảo sát ý kiến của đối tượng tiếp nhận quảng cáo/ độc giả sử dụng các trang thông tin điện tử và báo điện tử này.
Về báo cáo định kỳ của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Tại dự thảo Luật Quảng cáo quy định: Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hằng năm, báo cáo đột xuất khi có yêu cầu cho Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cho biết, việc quy định về chế độ báo cáo hoạt động của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới là cần thiết, nhằm giúp cho hoạt động quản lý nhà nước đối với các tổ chức này hiệu quả hơn, tuy nhiên cần bổ sung quy định về hình thức báo cáo: gửi báo cáo trực tiếp, qua đường bưu chính hoặc trực tuyến qua Cổng TTĐT nhằm hoàn thiện hơn các quy định pháp luật về quản lý hoạt động quảng cáo của những chủ thể này.