Chủ tịch Quốc hội: Cấp xã sẽ mạnh khi bỏ công an và thanh tra cấp huyện
(Thị trường tài chính) - Theo Chủ tịch Quốc hội, khi không còn công an và thanh tra cấp huyện, chính quyền xã sẽ được trao thêm nhiều thẩm quyền, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động.
Nội dung trên được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu lên khi thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) trong phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra vào sáng ngày 5/2.
Đề cập đến vấn đề phân cấp và trách nhiệm của người được giao quyền, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh rằng việc chịu trách nhiệm cần được thực hiện triệt để ở từng cấp: "Trung ương chịu trách nhiệm, tỉnh chịu trách nhiệm, huyện chịu trách nhiệm, xã chịu trách nhiệm".
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói: "Tới đây cấp xã rất mạnh. Thanh tra cấp huyện không còn, công an cấp huyện không còn mà tới đây còn nhiều đơn vị nữa. Cái gì ở chỗ gác lửng thôi không xây dựng nữa. Ta tập trung cho xã như vậy thì phân quyền cho xã phải hết sức lưu ý về nguồn lực".
Theo dự thảo luật, quận, phường, xã thuộc khu vực đô thị sẽ không còn tổ chức HĐND, chỉ duy trì UBND với vai trò cơ quan hành chính tại địa phương. Việc sửa đổi các luật liên quan đến Tổ chức Chính phủ và Tổ chức chính quyền địa phương nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, góp phần tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định rằng mục tiêu chính của việc sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ là tăng cường phân cấp, phân quyền cho Chính phủ, giúp nâng cao tính chủ động trong giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Nhấn mạnh quan điểm "lạt mềm buộc chặt", ông lưu ý rằng các quy định về phân cấp, phân quyền cần bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất với các luật liên quan như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật...
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc làm rõ nguyên tắc phân định thẩm quyền, xác định rành mạch mối quan hệ giữa Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, cần phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp để bảo đảm đúng vai, đúng trách nhiệm.
Ông cho rằng xu hướng quản lý phải theo hướng "địa phương quyết định, địa phương thực hiện, địa phương chịu trách nhiệm; Trung ương đóng vai trò kiến tạo, Quốc hội giám sát, Chính phủ điều hành".
Việc phân định thẩm quyền là vấn đề quan trọng, đòi hỏi sự tuân thủ chặt chẽ chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền, đặc biệt là các phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Theo ông, các nguyên tắc cơ bản phải làm rõ mối quan hệ giữa Chính phủ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, cần xác định cụ thể trách nhiệm và thẩm quyền của các cơ quan hành pháp, tư pháp để đảm bảo quản lý hiệu quả, tránh chồng chéo hay đùn đẩy trách nhiệm.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho biết, tới đây Quốc hội sẽ không quản lý trực tiếp danh mục đầu tư công và tài chính, mà giao tổng thể cho Chính phủ chịu trách nhiệm phân bổ về các địa phương.
Ông cũng lưu ý cần làm rõ khả năng đáp ứng của người được phân cấp, đảm bảo tính khả thi, tránh đùn đẩy trách nhiệm. Thực tế cho thấy có địa phương thực hiện quyết liệt, không kêu khó, trong khi nơi khác lại kêu do luật và nghị định.
Luật Chính quyền địa phương (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp bất thường diễn ra từ ngày 12 đến 18/2.