'Chốt' vị trí tổ chức lễ công bố thành lập thành phố trực thuộc TW thứ 6 của Việt Nam: Quảng trường xây dựng từ thời vua Nguyễn, thuộc top đẹp nhất cả nước
(Thị trường tài chính) - Việc lựa chọn Quảng trường Ngọ Môn là địa điểm tổ chức sự kiện quan trọng này nhằm tạo hình ảnh đẹp, sâu sắc về thành phố di sản quốc gia.
Theo thông tin từ Báo Dân trí, chiều ngày 5/12, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - ông Nguyễn Thanh Bình đã ký ban hành kế hoạch tổ chức Lễ công bố nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Theo ông Bình, buổi lễ cần được tổ chức chu đáo, thể hiện tinh thần trang trọng và hiệu quả, đồng thời tạo nên khí thế lan tỏa rộng rãi. Các yếu tố an toàn, tiết kiệm và đảm bảo vệ sinh môi trường sẽ được đặt lên hàng đầu. Ông nhấn mạnh: “Sự kiện cần thu hút sự chú ý của đông đảo tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cũng như các phương tiện thông tin đại chúng”.
Sau khi nghiên cứu các phương án, lãnh đạo tỉnh đã quyết định chọn Quảng trường Ngọ Môn, trước Đại nội Huế, làm nơi tổ chức sự kiện quan trọng này nhằm tạo hình ảnh sâu đậm về thành phố di sản quốc gia.
Lễ công bố, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 12 với sự tham gia của khoảng 1.700 đại biểu và được truyền hình trực tiếp trên các kênh thông tin đại chúng để người dân có cơ hội được theo dõi và hưởng ứng. Ông Bình chia sẻ: “Lãnh đạo tỉnh đang nỗ lực để sự kiện diễn ra thành công, trở thành nguồn cảm hứng và động lực cho thành phố bước vào giai đoạn phát triển mới”.
Quảng trường Ngọ Môn là một trong những quảng trường đẹp nhất Việt Nam, nằm giữa cổng Ngọ Môn và Kỳ Đài của Kinh thành Huế. Tương tự như Quảng trường Ba Đình, Quảng trường Ngọ Môn cũng gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc, trong đó có thời khắc vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị.
Ngày nay, đối với khách du lịch, Quảng trường Ngọ Môn là một điểm đến lý tưởng để chụp những bức ảnh lưu niệm ấn tượng. Ngoài khuôn viên quảng trường rộng lớn, mang đậm màu sắc hoài cổ, du khách còn có thể khám phá nhiều điểm tham quan lân cận thuộc Quần thể Di tích lịch sử đặc biệt của Kinh thành Huế.
Quảng trường Ngọ Môn cũng là nơi tổ chức nhiều sự kiện quan trọng ở Cố đô Huế như Triển lãm ảnh nghệ thuật, Festival Huế, Lễ hội diều… Đặc biệt, đây còn là địa điểm quay nhiều chương trình quảng bá văn hóa - du lịch Việt Nam.
Trước đó, vào ngày 30/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Theo nghị quyết, thành phố Huế sẽ được thành lập trên toàn bộ diện tích tự nhiên hơn 4.900 km² và dân số hơn 1,2 triệu người của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là bước tiến lớn trong lộ trình phát triển của địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành nghị quyết sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và xã của thành phố Huế trong giai đoạn 2023-2025. Theo đó, thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ bao gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện và 133 đơn vị hành chính cấp xã. Thành phố Huế hiện tại sẽ được chia tách thành hai quận mới là Phú Xuân và Thuận Hóa; thị xã Phong Điền sẽ được thành lập, trong khi hai huyện Nam Đông và Phú Lộc sẽ hợp nhất thành huyện mới mang tên Phú Lộc. Như vậy, Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam được công nhận. Sau khi trở thành TP trực thuộc Trung ương, Huế sẽ thiết lập Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân mới, kế thừa từ tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay. Đồng thời, giải thể và thành lập các cơ quan này tại các đơn vị hành chính cấp huyện mới hình thành. |