HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Chính thức từ ngày 25/12, người dùng mạng xã hội không được đặt tên tài khoản gây hiểu lầm hoặc trùng lặp với cơ quan báo chí

Thùy Dung

(Thị trường tài chính) - Nghị định mới nghiêm cấm việc lợi dụng mạng xã hội để sản xuất các nội dung dưới hình thức phóng sự, điều tra hoặc phỏng vấn có tính chất báo chí.

Theo Nghị định số 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/12/2024, chủ tài khoản, chủ kênh nội dung, chủ trang cộng đồng và người quản trị nhóm cộng đồng trên mạng xã hội không được phép đặt tên tài khoản, trang, kênh hoặc nhóm trùng với tên cơ quan báo chí. Những từ ngữ có khả năng gây nhầm lẫn với hoạt động báo chí như báo, đài, tạp chí, tin, tin tức, phát thanh, truyền hình, truyền thông, thông tấn, thông tấn xã (bao gồm cả tiếng Việt và các ngôn ngữ nước ngoài tương đương) cũng bị nghiêm cấm.

Ngoài ra, các cá nhân và tổ chức này phải chịu trách nhiệm quản lý nội dung đăng tải trên tài khoản, trang, nhóm hoặc kênh của mình. Họ có nghĩa vụ ngăn chặn và gỡ bỏ các thông tin vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc những nội dung có nguy cơ gây tổn hại đến trẻ em. Thời hạn xử lý là chậm nhất 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu từ cơ quan chức năng qua điện thoại, văn bản hoặc phương tiện điện tử. Đối với các khiếu nại có căn cứ từ người sử dụng dịch vụ, thời hạn xử lý tối đa là 48 giờ.

Chính thức từ ngày 25/12, người dùng mạng xã hội không được đặt tên tài khoản gây hiểu lầm hoặc trùng lặp với cơ quan báo chí - ảnh 1
Nghị định 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/12/2024. Ảnh minh họa

Nghị định cũng nghiêm cấm việc lợi dụng mạng xã hội để sản xuất các nội dung dưới hình thức phóng sự, điều tra hoặc phỏng vấn có tính chất báo chí. Quy định này nhằm siết chặt quản lý, đảm bảo môi trường mạng lành mạnh, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của các cá nhân và tổ chức trong xã hội.

Nghị định quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật và ngăn chặn nội dung vi phạm. Theo đó, các đơn vị này phải thực hiện khóa tạm thời các tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng hoặc kênh nội dung vi phạm pháp luật. Cụ thể, nếu trong vòng 30 ngày, các tài khoản có ít nhất 5 lần đăng tải nội dung vi phạm, hoặc trong 90 ngày có ít nhất 10 lần vi phạm nhưng không tuân thủ yêu cầu gỡ bỏ từ Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Bộ Công an, các đơn vị phải tiến hành khóa tạm thời trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu.

Yêu cầu khóa tạm thời có thể được gửi qua điện thoại, văn bản, hoặc phương tiện điện tử bởi các cơ quan như Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) hoặc Sở Thông tin và Truyền thông địa phương. Thời gian khóa tạm thời kéo dài từ 7 đến 30 ngày, tùy thuộc vào mức độ và số lần vi phạm.

Ngoài ra, việc khóa vĩnh viễn sẽ được áp dụng đối với các tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng hoặc kênh nội dung nếu vi phạm nghiêm trọng như "xâm phạm an ninh quốc gia" hoặc đã bị tạm khóa từ 3 lần trở lên. Quyết định khóa vĩnh viễn được thực hiện theo yêu cầu từ các cơ quan có thẩm quyền.

Nếu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội không xử lý nội dung vi phạm, không tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn các tài khoản vi phạm pháp luật theo yêu cầu, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ hoặc thu hồi Giấy phép/Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội, theo quy định tại Điều 33 của Nghị định.