Cao tốc xuyên sa mạc dài nhất thế giới được 'bảo bọc' bởi vành đai xanh dài 436km, dọc theo khu vực cực giàu tài nguyên dầu khí
(Thị trường tài chính) - Từ một tuyến đường băng qua sa mạc khắc nghiệt, cao tốc sa mạc Tarim ở Tân Cương, Trung Quốc nay đã được "khoác lên mình" một tấm áo xanh tươi nhờ dự án trồng rừng quy mô lớn.
Đường cao tốc sa mạc Tarim, nối liền sa mạc Taklimakan từ Bắc xuống Nam, đã chính thức hoạt động từ năm 1995. Tuyến đường này giúp rút ngắn khoảng cách giữa thành phố Urumqi, thủ phủ của khu tự trị Tân Cương và tỉnh Hòa Điền thêm 500km.
Con đường băng qua một trong những vùng đất khắc nghiệt nhất thế giới, với diện tích lên tới 270.000km2. Sa mạc Taklimakan, theo tiếng Duy Ngô Nhĩ có nghĩa là "chỉ có thể vào mà không thể ra". Người Trung Quốc còn gọi nơi này là "biển tử thần". Nhờ ứng dụng công nghệ "đất hóa sa mạc" tiên tiến, hai bên tuyến cao tốc nay đã được phủ xanh bởi những khu rừng, tạo nên một bức tranh hoàn toàn mới giữa vùng sa mạc khắc nghiệt.
Từ khi khánh thành vào năm 1995, tuyến cao tốc Tarim luôn đối mặt với thử thách khắc nghiệt từ những đụn cát khổng lồ. Hàng chục đoàn xe chở dầu đã bị mắc kẹt trong biển cát mênh mông, gây ra những thiệt hại kinh tế lớn. Trước tình hình đó, các kỹ sư Trung Quốc đã không ngừng tìm kiếm giải pháp. Tới năm 2003, một dự án táo bạo đã được khởi xướng là xây dựng một vành đai xanh khổng lồ để bảo vệ tuyến đường. Mặc dù phải đối mặt với điều kiện khắc nghiệt của sa mạc, các kỹ sư đã kiên trì trồng hàng triệu cây xanh, tạo nên một bức tường xanh vững chắc chắn chắn cát bay.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã áp dụng một phương pháp độc đáo, tận dụng cây cỏ để tạo thành các ô vuông, sau đó sắp xếp thành hàng rào cỏ dọc hai bên đường và cố định bằng cát sỏi. Cách làm này giúp giữ chặt lớp cát dưới bề mặt, gia cố nền đường, đảm bảo sự ổn định và chất lượng của công trình.
Đặc biệt, môi trường khắc nghiệt của sa mạc, với nhiệt độ bề mặt cực cao cùng biến đổi nhiệt độ đột ngột đã tạo ra những thách thức lớn cho việc thi công và vận hành. Để đối phó, Trung Quốc đã triển khai các thiết bị không người lái như máy lu, máy ủi, kết hợp với hệ thống quản lý thông minh, nâng cao hiệu quả và độ chính xác trong xây dựng.
Thành quả đáng ghi nhận là chỉ trong hai năm, một vành đai xanh dài 436km đã được hình thành. Tuy nhiên, việc bảo vệ và nuôi dưỡng những cây xanh này giữa sa mạc vẫn là một nhiệm vụ đầy thách thức. Nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt thông minh và mạng lưới 109 trạm bơm, thảm thực vật nơi đây đã phát triển xanh tốt, tạo thành một bức tường xanh vững chắc, ngăn chặn hiệu quả tình trạng cát bay và bảo vệ tuyến đường cao tốc luôn thông thoáng.
Với quy mô khổng lồ, mỗi năm Trung Quốc trồng thêm 2 triệu cây, xây dựng hàng chục giếng nước và không ngừng mở rộng vành đai xanh lên đến 70m và dài 400km. Thành công của dự án trồng cây trên cao tốc Tarim đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trên toàn thế giới, trở thành một mô hình điển hình cho việc phát triển hệ thống tưới tiêu ở các vùng khô hạn.
Các khu vực dọc theo tuyến cao tốc này sở hữu nguồn tài nguyên dầu khí phong phú, không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển của vùng Đông Bắc Trung Quốc mà còn tạo động lực cho khu vực phía Tây. Khi hoàn thành, tuyến cao tốc giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền Đông và miền Tây Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện. Tuyến đường này đi qua các mỏ dầu lớn như Lunnan, Tahe và Tazhong, mở ra hành lang vận chuyển chiến lược cho dầu mỏ và khí đốt trong khu vực sa mạc.