HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Bỏ ngay thói quen ‘ngoáy mũi’ nếu không muốn chịu hậu quả nghiêm trọng này

Hải Châu

(Thị trường tài chính) - Không ít người trong chúng ta có thói quen ngoáy mũi, đôi khi chỉ vì cảm giác ngứa ngáy hoặc khi có vật lạ trong mũi. Tuy nhiên, hành động này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

Lý giải nguyên nhân thói quen ngoáy mũi

Theo Healthline, ngoáy mũi có thể được xem là một thói quen kỳ lạ, nhưng một nghiên cứu vào năm 1995 cho thấy đến 91% người tham gia khảo sát thừa nhận đã từng ngoáy mũi và 75% cho rằng "ai cũng làm vậy". Đây là hành động mà đôi khi chúng ta thực hiện mà không cần suy nghĩ quá nhiều.

Bỏ ngay thói quen ‘ngoáy mũi’ nếu không muốn chịu hậu quả nghiêm trọng này - ảnh 1

Hành động ngoáy mũi có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Ảnh minh họa

Nguyên nhân dẫn đến thói quen này có thể khác nhau tùy vào từng người. Một số người cảm thấy ngứa ngáy do mũi khô hoặc ẩm quá và việc ngoáy mũi giúp họ giải tỏa cảm giác khó chịu. Một số khác lại làm vậy khi cảm thấy nhàm chán hoặc lo lắng. Thậm chí, tình trạng dị ứng hay viêm xoang cũng làm tăng tiết dịch nhầy trong mũi, gây cảm giác bức bối. Trong một số trường hợp hiếm hoi, ngoáy mũi có thể trở thành hành vi cưỡng chế, giống như việc cắn móng tay hay gãi, thường do căng thẳng. Hành động này giúp giảm bớt lo âu trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, phần lớn mọi người đều ngoáy mũi vì thói quen, chứ không phải do bắt buộc. Mặc dù hành động này không phải lúc nào cũng gây ra vấn đề nghiêm trọng, nhưng khi thực hiện ở nơi công cộng, nó có thể khiến những người xung quanh cảm thấy không thoải mái.

Thói quen ngoáy mũi có ảnh hưởng gì đến sức khỏe?

Ngoáy mũi có thể tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer

Theo một nghiên cứu của Đại học Western Sydney (Úc), được công bố trên tạp chí Biomolecules vào tháng 12/2023, "phản ứng viêm thần kinh liên quan đến bệnh Alzheimer có thể bắt nguồn từ vi rút, vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập vào não qua mũi và hệ thống khứu giác".

Trong y học, thói quen ngoáy mũi thường xuyên được gọi là rhinotillexomania (ngoáy mũi mãn tính). Hành động này tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào khoang mũi, từ đó gây viêm não - một yếu tố tiềm ẩn trong sự phát triển của bệnh Alzheimer.

Bỏ ngay thói quen ‘ngoáy mũi’ nếu không muốn chịu hậu quả nghiêm trọng này - ảnh 2

Thói quen ngoáy mũi thường xuyên sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào khoang mũi, từ đó gây viêm não - một yếu tố tiềm ẩn trong sự phát triển của bệnh Alzheimer. Ảnh: Internet

Các nghiên cứu gần đây cho thấy sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong khoang mũi có thể dẫn đến nhiễm trùng não nhẹ và mãn tính, từ đó tạo ra các yếu tố khởi phát bệnh lý thần kinh như Alzheimer. Nhiễm trùng não thường không có triệu chứng rõ ràng, khiến việc phát hiện sớm trở nên khó khăn. Tuy nhiên, tình trạng này âm thầm gây ra sự tích tụ các mảng protein độc hại trong não, làm trầm trọng thêm các bệnh thoái hóa thần kinh, đặc biệt là Alzheimer.

Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện rằng trong não của những bệnh nhân mắc Alzheimer, có sự tích tụ của protein TAU. Đây là loại protein liên quan đến các phản ứng miễn dịch trong cơ thể, khiến hệ miễn dịch hoạt động quá mức, gây căng thẳng cho cơ thể và góp phần vào sự xuất hiện của nhiều bệnh lý khác.

Tác hại tiềm ẩn từ thói quen xấu

Ngoáy mũi có thể coi là một thói quen xấu, tương tự như việc nặn mụn, cạy vảy vết thương hay ngoáy lỗ tai. Bạn biết rằng mình không nên làm vậy, nhưng đôi khi vẫn không thể kiềm chế được. Đặc biệt đối với những người có sức khỏe yếu hoặc đang bị ốm, thói quen này có thể dẫn đến các nguy cơ nghiêm trọng:

Nhiễm trùng: Móng tay có thể gây ra những vết xước nhỏ trong mũi, tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng.

Lây bệnh: Chất nhầy trong mũi có tác dụng bắt giữ bụi bẩn, vi khuẩn và virus trong không khí. Khi bạn ngoáy mũi, tay bạn có thể tiếp xúc với những vật chất có hại này, từ đó làm lây lan bệnh nếu bạn chạm vào các vật dụng khác. Nếu không rửa tay đúng cách, vi khuẩn từ tay có thể xâm nhập vào cơ thể qua lỗ mũi.

Bỏ ngay thói quen ‘ngoáy mũi’ nếu không muốn chịu hậu quả nghiêm trọng này - ảnh 3

Ngoáy mũi có thể coi là một thói quen xấu, tương tự như việc nặn mụn, cạy vảy vết thương hay ngoáy lỗ tai. Ảnh: Internet

Tổn thương trong hốc mũi: Ngoáy mũi thường xuyên có thể gây tổn thương các mô trong hốc mũi, dẫn đến viêm, phù nề, hoặc làm hẹp lỗ mũi, ảnh hưởng đến sự lưu thông không khí.

Chảy máu mũi: Ngoáy mũi quá sâu có thể làm vỡ các mạch máu mỏng trong mũi, gây ra hiện tượng chảy máu. Đây không chỉ là một sự cố khó chịu mà còn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng nếu không được xử lý kịp thời.

Làm thế nào để từ bỏ thói quen ngoáy mũi?

Nếu bạn muốn từ bỏ thói quen ngoáy mũi hoặc ít nhất kiểm soát được hành động này, hãy thử áp dụng một số phương pháp dưới đây:

Xịt mũi bằng nước muối

Nếu không khí quá khô khiến mũi bạn khó chịu, xịt mũi bằng nước muối giúp phục hồi độ ẩm cần thiết. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng để duy trì không khí ẩm, giảm tình trạng khô mũi.

Bỏ ngay thói quen ‘ngoáy mũi’ nếu không muốn chịu hậu quả nghiêm trọng này - ảnh 4

Nếu không khí quá khô khiến mũi bạn khó chịu, xịt mũi bằng nước muối giúp phục hồi độ ẩm cần thiết. Ảnh: Internet

Sử dụng vật ghi nhớ để ngừng thói quen

Hãy tạo ra những dấu hiệu nhắc nhở để nhận thức được khi bạn đang có ý định ngoáy mũi. Một cách đơn giản là quấn băng dính quanh ngón tay bạn, điều này sẽ giúp bạn nhận ra và từ bỏ hành động này ngay lập tức.

Rửa mũi bằng nước muối

Rửa mũi là phương pháp vệ sinh hiệu quả giúp làm sạch mũi và các xoang. Đặc biệt, phương pháp này rất hữu ích đối với những người bị dị ứng theo mùa, giúp loại bỏ các tác nhân gây kích ứng.

Xử lý nguyên nhân gây ra dịch nhầy

Nếu bạn gặp phải tình trạng dịch nhầy quá nhiều trong mũi, hãy cố gắng tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này. Môi trường bụi bẩn, dị ứng hay độ ẩm thấp có thể là những yếu tố làm tăng tiết dịch nhầy. Hạn chế những tác nhân này sẽ giúp giảm bớt kích ứng và ngừng thói quen ngoáy mũi.

Bỏ ngay thói quen ‘ngoáy mũi’ nếu không muốn chịu hậu quả nghiêm trọng này - ảnh 5

Xử lý nguyên nhân gây ra dịch nhầy sẽ giúp giảm bớt kích ứng và ngừng thói quen ngoáy mũi. Ảnh: Internet

Thay thế thói quen ngoáy mũi bằng cách giải tỏa căng thẳng

Nhiều người có thói quen ngoáy mũi để giải tỏa căng thẳng, tuy nhiên, thay vì làm vậy, bạn có thể thử các phương pháp lành mạnh hơn như nghe nhạc thư giãn, tập thở sâu, hoặc sử dụng quả bóng bóp để giảm stress. Những hoạt động này sẽ giúp bạn kiềm chế thói quen ngoáy mũi khi cảm thấy lo âu.