Bộ GD&ĐT đề xuất tính học phí đại học công không quá 50% thu nhập bình quân đầu người
(Thị trường tài chính) - Bộ GD&ĐT đề xuất sửa đổi, bổ sung 20 nội dung trong Luật Giáo dục Đại học 2018, trong đó có vấn đề về học phí.
Ngày 29/3/2025, tại Hải Phòng, Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm nhằm tham vấn chính sách cho việc xây dựng và sửa đổi Luật Giáo dục Đại học (Luật số 34). Trong khuôn khổ buổi thảo luận, Bộ đã lấy ý kiến từ các trường đại học về các nội dung điều chỉnh. Một trong những đề xuất đáng chú ý là cho phép các cơ sở giáo dục đại học tự chủ trong việc xác định mức học phí, đi kèm với cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo. Riêng đối với các trường công lập, mức học phí không được vượt quá 50% thu nhập bình quân đầu người.

Đề xuất tính học phí đại học công lập theo thu nhập bình quân đầu người. Ảnh: VGP
Theo Bộ GD&ĐT, việc trao quyền tự chủ về học phí là một phần trong lộ trình tự chủ đại học, giúp các trường có thêm nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển bền vững. Tuy nhiên, vẫn cần có giới hạn hợp lý để tránh tạo gánh nặng tài chính cho sinh viên, đặc biệt là ở khối công lập. Hiện nay, vẫn chưa có quy định mang tính nguyên tắc về mức trần học phí so với thu nhập của người dân.
Theo Nghị quyết 09/2025 của Chính phủ về hội nghị với địa phương và phiên họp thường kỳ tháng 12/2024, nền kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP quý IV ước đạt 7,55%, quy mô kinh tế đạt khoảng 476,3 tỷ USD, xếp thứ 33 thế giới. Thu nhập bình quân đầu người ước tính đạt 4.700 USD/năm. Nếu đề xuất của Bộ GD&ĐT được thông qua, mức học phí của các trường đại học công lập sẽ không vượt quá 2.350 USD/năm.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đề xuất thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước cho các trường đại học theo nguyên tắc công bằng, minh bạch và hiệu quả. Việc này đòi hỏi luật quy định rõ ràng các tiêu chí, công thức và quy tắc phân bổ, dựa trên yếu tố như sứ mệnh, chất lượng đào tạo, quy mô, uy tín, hiệu quả hoạt động,...

Bộ GD&ĐT đề xuất giới hạn học phí tại các trường công lập ở mức không quá 50% thu nhập bình quân đầu người. Ảnh minh họa
Hiện nay, ngân sách chủ yếu phân bổ theo đầu vào (biên chế, quy mô tuyển sinh,...), chưa tạo động lực nâng cao chất lượng. Bộ đề xuất chuyển sang mô hình phân bổ dựa trên kết quả đầu ra, bao gồm tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp, cơ hội việc làm, công bố khoa học, chuyển giao công nghệ,...
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng chính sách học bổng và tín dụng sinh viên để hỗ trợ những ngành nghề mũi nhọn và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Việc luật hóa chính sách này nhằm đảm bảo mọi sinh viên, đặc biệt là nhóm yếu thế và người học ở vùng khó khăn, có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học. Đây cũng là biện pháp thúc đẩy công bằng giáo dục và đảm bảo nguồn nhân lực cho các ngành chiến lược.
Bộ cũng đề xuất quy định rõ khung pháp lý cho các chương trình liên kết đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam và nước ngoài, cũng như điều kiện thành lập và vận hành phân hiệu của các cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam. Điều này nhằm đảm bảo chất lượng, tính minh bạch và phù hợp với cam kết hội nhập quốc tế, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước và bảo vệ quyền lợi của người học.

Việc tự chủ học phí là một phần của cơ chế tự chủ đại học và cần thiết để các trường nâng cao chất lượng và phát triển bền vững. Ảnh: Internet
Ngoài ra, một số nội dung khác cũng được đưa ra thảo luận, bao gồm cơ chế hoạt động của Hội đồng trường, chính sách miễn thuế cho các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, miễn thuế doanh nghiệp, thuế đất đai,...
Liên quan đến vấn đề tài chính trong giáo dục, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, bày tỏ quan ngại về chính sách tín dụng sinh viên. Theo ông, số lượng sinh viên vay vốn hiện nay vẫn còn hạn chế, trong khi đây là một nguồn tài chính quan trọng để hỗ trợ học tập.
Ông đề xuất mở rộng phạm vi vay vốn, hướng đến việc có ít nhất 1/3 số sinh viên đang theo học được tiếp cận với tín dụng. Để thực hiện điều này, Nhà nước cần tạo cơ chế khơi thông và huy động nguồn lực tín dụng đủ lớn.