30 năm ngày Vịnh Hạ Long được vinh danh là Di sản Thiên nhiên Thế giới: Hành trình từ di sản tới biểu tượng toàn cầu
(Thị trường tài chính) - Kỷ niệm 30 năm Vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh, Quảng Ninh khẳng định di sản là biểu tượng du lịch, cầu nối văn hóa và phát triển bền vững.
Theo TTXVN đưa tin, tối 14/12, tỉnh Quảng Ninh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới lần đầu tiên (17/12/1994 - 17/12/2024). Sự kiện không chỉ là dịp nhìn lại chặng đường phát triển của Vịnh Hạ Long mà còn khẳng định vị thế quan trọng của di sản này trong sự phát triển kinh tế - xã hội và kết nối quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, nhấn mạnh Vịnh Hạ Long đã đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của Quảng Ninh, góp phần quan trọng đưa du lịch trở thành một trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh, nâng cao đời sống nhân dân.
Đồng thời, Vịnh Hạ Long là cầu nối trong quan hệ đối ngoại giữa Quảng Ninh, Việt Nam với bạn bè, đối tác quốc tế.
Cách đây gần 30 năm, ngày 17/12/1994, tại Thái Lan, lần đầu tiên Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Ảnh: Nguyen Quang Ngoc Tonkin
Bà khẳng định việc Vịnh Hạ Long chính thức được vinh danh là Di sản Thiên nhiên Thế giới đầu tiên tại Việt Nam đã đem lại niềm vinh dự, tự hào to lớn nhưng cũng đặt ra cho Quảng Ninh trách nhiệm rất lớn.
Trong suốt ba thập kỷ qua, Quảng Ninh đã rút ra nhiều bài học quý giá, từ mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy di sản, đến sự đồng lòng giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Đây là nền tảng giúp tỉnh không ngừng cải thiện công tác quản lý và phát triển du lịch bền vững.
Hiện nay, tỉnh đang báo cáo Trung ương để trình Chính phủ quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản trong giai đoạn mới. Quảng Ninh cũng tập trung nghiên cứu, bổ sung dữ liệu khoa học để lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long theo tiêu chí văn hóa và đa dạng sinh học.
Với vị trí địa lý độc đáo và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, Vịnh Hạ Long không chỉ là biểu tượng của du lịch Quảng Ninh mà còn trở thành cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế. Ảnh: Ban quản lý Vịnh Hạ Long
Ông Vishal V. Sharma, Đại sứ, Chủ tịch Ủy ban Di sản Thế giới đã ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ di sản Vịnh Hạ Long. Câu chuyện thành công này là hình mẫu cho các di sản thế giới khác đang đối mặt với những thách thức tương tự. Vịnh Hạ Long không chỉ là một địa danh có vẻ đẹp tự nhiên đặc sắc mà còn là nguồn cảm hứng, minh chứng cho sức mạnh của thiên nhiên, ý nghĩa văn hóa sâu sắc.
Từ năm 1996 đến nay, Vịnh Hạ Long đã đón trên 57 triệu lượt khách tham quan, thu về hơn 8.600 tỷ đồng từ phí tham quan. Các sản phẩm du lịch tại đây ngày càng đa dạng với 8 hành trình tham quan và 5 cụm điểm lưu trú nghỉ đêm, đáp ứng nhu cầu phong phú của du khách trong và ngoài nước.
Vịnh Hạ Long hiện là di sản đầu tiên của Việt Nam nằm trên địa giới hành chính của hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng. Điều này mở ra cơ hội lớn để Quảng Ninh và Hải Phòng hợp tác chặt chẽ trong việc bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đề nghị Quảng Ninh cần đánh giá đúng tiềm năng và lợi thế cạnh tranh, đồng thời chủ động huy động nguồn lực để chuyển đổi phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Ông nhấn mạnh việc bảo tồn giá trị di sản không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế mà còn phải hướng đến sự bền vững lâu dài.
Du khách trải nghiệm du lịch tại Vịnh Hạ Long
Ngoài ra, tỉnh cũng đặt mục tiêu thắt chặt mối quan hệ với các di sản khác của Việt Nam như Hoàng Thành Thăng Long, Phong Nha-Kẻ Bàng, Tràng An, Cố đô Huế, Thánh địa Mỹ Sơn và Hội An để xây dựng chuỗi điểm đến nổi bật.
Quảng Ninh đang tích cực mở rộng không gian du lịch, tập trung vào các sản phẩm đặc trưng vùng miền nhằm giảm tải áp lực cho khu vực bảo tồn tuyệt đối của di sản. Các điểm đến như Vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn và Cô Tô được kỳ vọng sẽ trở thành những mảnh ghép quan trọng trong bức tranh du lịch toàn diện của tỉnh.
Không chỉ dừng lại ở việc nâng cao chất lượng phục vụ, tỉnh còn triển khai bộ quy tắc ứng xử "Văn minh du lịch" và "Nụ cười Hạ Long" nhằm tạo dựng hình ảnh một điểm đến thân thiện, chuyên nghiệp.
Ba thập kỷ qua, Vịnh Hạ Long không chỉ khẳng định giá trị về cảnh quan mà còn chứng minh được vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa và kết nối cộng đồng. Tương lai, Hạ Long hứa hẹn sẽ tiếp tục là trung tâm du lịch hàng đầu của khu vực, trở thành niềm tự hào không chỉ của Quảng Ninh mà còn của cả Việt Nam trên bản đồ thế giới.