20/10 của những người phụ nữ cả năm không lúc nào thiếu hoa: ‘Chỉ mong bán nhanh hết hàng để được về ngủ thêm một giấc’
(Thị trường tài chính) - 20/10 là Ngày phụ nữ Việt Nam. Đây là dịp để tri ân đến những người phụ nữ - một nửa quan trọng của thế giới. Dẫu vậy, với những người phụ nữ quanh năm gắn bó với hoa, họ lại chẳng mong nhận được hoa đẹp, quà to bởi niềm vui chỉ đơn giản là một ngày đắt hàng để được về nhà sớm.
Lúc 0h sáng, khi Hà Nội bắt đầu chậm lại sau ngày dài hối hả, người người nhà nhà dần chìm vào giấc ngủ sâu lại là lúc những tiểu thương tại chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) tất bật chuẩn bị cho một phiên chợ mới. Có mặt tại vựa hoa lớn nhất Thủ đô vào một ngày cận lễ 20/10, tôi cảm nhận được khung cảnh mua - bán hoa tươi náo nhiệt hơn hẳn ngày thường.
Phần nhiều tiểu thương tại chợ hoa Quảng An là những phụ nữ từ các làng hoa lớn của Hà Nội như Tây Tựu, Tây Hồ, Mê Linh... và các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Giang... Mặt hàng kinh doanh đa phần là hoa tươi được nhập từ một số làng trồng hoa lớn ở Hà Nội, Đà Lạt và một số tỉnh thành khác. Chợ họp từ 23h đêm hôm trước đến 6h sáng hôm sau.
Theo chia sẻ của một số nữ tiểu thương tại chợ, với họ, 20/10 không phải là dịp để nghỉ ngơi mà là cơ hội ít ỏi trong năm để có thể bán được nhiều hàng hơn, kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình. Càng gần ngày lễ, họ càng vội vã với chuyện bán buôn, không nề hà sớm tối, không ngại nặng nhọc vất vả, càng những ngày lễ lại càng phải gắng hơn ngày thường. Giữa bộn bề nỗi lo cơm - áo - gạo - tiền, việc bán được nhiều hoa mới là món quà ý nghĩa mà họ muốn nhận được nhân dịp lễ này.
Tôi gặp cô Bùi Thị Cảnh (60 tuổi, quê ở thị xã Mỹ Hào, Hưng Yên) khi cô vừa chuẩn bị xong hàng cho buổi chợ mới. Cô tâm sự: ‘Cô lên Hà Nội làm được 4 năm nay. Hàng ngày, cô thu mua hoa của bà con ở quê đem ra chợ hoa Quảng An bán kiếm lời’.
Theo chia sẻ, mỗi ngày cô Cảnh đều phải di chuyển một quãng đường hơn 60km từ quê ra Hà Nội và ngược lại, công việc ‘lấy đêm làm ngày’ đã có lúc khiến cô mệt mỏi. Chưa kể có những thời điểm hoa mất giá, ế khách... Nhưng khi nghĩ lại, với cô, việc có một công việc để làm, tạo ra nguồn thu nhập cho gia đình, giúp được bà con tiêu thụ được sản phẩm nông nghiệp của địa phương chính là niềm vui và động lực để người phụ nữ đã quá tuổi trung niên này tiếp tục gắn bó với nghề.
Khi được hỏi về những mong muốn nhân dịp 20/10 sắp tới, cô Cảnh ngập ngừng hồi lâu. Đôi mắt bất giác hướng về phía sạp hoa còn đầy, khẽ cười: ‘Với những người lao động chân tay như cô thì làm gì có ngày lễ. Cũng chỉ mong bán nhanh hết hàng để được về sớm ngủ thêm một giấc, ngày mai lại tiếp tục công việc’.
Kết thúc cuộc trò chuyện với cô Cảnh, tôi ngược về chợ hoa Tây Tựu. Đây cũng được biết đến là một trong những chợ đầu mối hoa tươi lớn tại Hà Nội.
Tôi may mắn gặp được bà Nguyễn Lan Hồng tại chợ hoa Tây Tựu lúc 3h sáng trong tiết se lạnh đầu thu. Theo chia sẻ của bà Hồng, năm nay bà đã gần 70 tuổi và có tới hơn 20 năm trồng, kinh doanh hoa tươi.
Dù đã bắt đầu bước vào tuổi xế chiều nhưng phong thái làm việc của người phụ nữ làng hoa vẫn vô cùng nhanh nhẹn, dứt khoát. Mỗi ngày, vợ chồng bà Hồng đều thu hoạch hoa từ ruộng, phân loại, đóng gói và đổ sỉ tại ruộng. Tuy nhiên, có những ngày số lượng hoa lớn, khách buôn thu mua không hết, bà lại mang ra chợ hoa bán đêm. Chỉ với 1 chiếc xe đạp cũ cùng chiếc giá gỗ đơn giản, người phụ nữ với dáng người nhỏ bé có thể chở vài trăm bông hoa không chút khó khăn.
Khi được hỏi về những vất vả của nghề trồng hoa, bà Hồng chia sẻ: “Trồng hoa nói riêng và ngành trồng trọt, chăn nuôi nói chung chịu ảnh hưởng rất lớn từ thời tiết. Có những hôm cả ngày quanh quẩn ngoài ruộng, đêm về lại đem hoa ra chợ bán, cả năm có khi cũng chỉ được nghỉ đúng ngày mùng 1 Tết.
Bấp bênh là vậy nhưng vẫn có những cái hay riêng. Tôi luôn coi nghề trồng hoa là nghề tạo ra cái đẹp, mỗi bông hoa được thu hoạch và bán ra thị trường chính là cách người trồng hoa đem đến hương thơm cho đời”.
Bày tỏ những mong muốn khi ngày 20/10 sắp tới gần, đôi mắt của bà Hồng ánh lên niềm hy vọng: “Hoa mình có thể tự trồng ra, quà năm nào cũng được các con tặng, giờ chỉ mong sao ông trời cho sức khỏe để tiếp tục gắn bó với nghề trồng hoa thêm nhiều năm nữa”.
Trên một số tuyến phố như Phan Đình Phùng, Thụy Khuê, Thanh Niên... những gánh hàng hoa của các cô, các chị nối đuôi nhau tô điểm từng góc phố. Nhiều loại hoa với đủ màu sắc khác nhau được bày biện, gói ghém cẩn thận đan cài thêm chút nắng thu càng khiến những xe hoa thêm phần bắt mắt.
Cô Hoa, quê Bắc Giang cũng đã có 3, 4 năm gắn bó với gánh hoa dạo trên phố Phan Đình Phùng. Cô kể, mỗi ngày đều đi bán hoa từ 7 giờ đến 20h mới về. Bán hàng xong, cô lại tiếp tục ra chợ hoa Quảng An để nhập hoa và đem về chia thành các bó nhỏ chuẩn bị cho buổi hàng tiếp theo.
“Cái khác của ngày 20/10 là gánh hoa sẽ nặng hơn mọi ngày. Trong những ngày lễ, mình thường chủ động nhập nhiều hàng hơn ngày thường. Nếu thuận lợi bán được hết hàng thì kiếm thêm được vài trăm cũng vui, nhưng nếu không hết hàng thì những bó hoa ế lại là món quà cho chính mình nhân ngày đặc biệt”, cô Hoa chia sẻ.
Cô tâm sự thêm: “Dẫu nghĩ vậy nhưng ngày nào cũng tất bật chuẩn bị từ sáng sớm đến tối muộn nên thành thử nhiều khi còn quên mất đó là ngày của chính mình. Đổi lại, khi được thấy những cánh hoa mình bán được nâng niu trong vòng tay của những cô gái may mắn khác thì trong lòng lại nảy sinh một niềm vui khó tả”.
Với những người phụ nữ quanh năm nhọc nhằn mưu sinh bên cạnh bông hoa thì dịp lễ như 20/10 rất đáng để chờ đợi. Nhưng, thứ họ chờ đợi không phải là được tặng hoa, tặng quà mà chỉ mong sao cho những sạp hoa bớt đầy, những gánh hoa bớt nặng và thành quả lao động của họ sẽ đem đến niềm vui cho nhiều người phụ nữ khác.