1 loại rau có thể rước cả “ổ sán” vào bụng nhưng nhiều người Việt vẫn vô tư ăn mà không hề hay biết
(Thị trường tài chính) - Nhiều người Việt vẫn mê ăn loại rau này mà không hề hay biết cơ thể có thể nhiễm bệnh.
Trong đời sống ẩm thực của người dân Việt Nam, bên cạnh bát bún ốc, bún bò, bún riêu,... hay trong mỗi mâm cơm đều thường xuyên xuất hiện một rổ rau sống. Rau sống là tên gọi chung của các loại rau được sử dụng chủ yếu ở dạng tươi sống với đa dạng các loại rau gia vị như xà lách, rau mùi, húng. Rau sống có thể cung cấp cho cơ thể một lượng vitamin C, A, E, chất khoáng và một số yếu tố vi lượng quan trọng.
Được biết, các vitamin trong rau sống được bảo toàn nguyên vẹn, ít bị hao hụt so với khi nấu chín. Ngoài ra, các loại rau thơm còn cung cấp một lượng kháng sinh thực vật giúp cơ thể tăng sức đề kháng với bệnh tật.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng ăn rau sống có thể tiềm ẩn rất nhiều hiểm họa về ngộ độc thực phẩm cũng như nhiễm khuẩn. Bà Nguyễn Thị Hạnh - Cử nhân dinh dưỡng Nguyễn Thị Hạnh, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết: “Việc ngâm rau sống vào dung dịch thuốc tím loãng (thường là dung dịch thuốc tím 1%) hoặc nước muối loãng đều không đảm bảo loại trừ sạch mầm bệnh”.
Ngoài ra, hiện tại, không phải quán ăn nào cũng có thể đảm bảo tốt khâu bảo quản, vệ sinh rau sống. Thậm chí, nhiều hàng quán còn sử dụng lại phần rau sống dùng thừa của những khách hàng trước. Chúng ta không thể chắc chắn được rằng liệu rổ rau sống mà mình ăn đã được người khác gắp đũa hay bị bắn nước miếng trong quá trình họ ăn hay không, khi đó việc nhiễm khuẩn là rất dễ xảy ra.
Đó là chưa nói đến việc nhiều khi rau vừa phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích chưa lâu đã bị đem đi bán. Do đó, không loại trừ khả năng người tiêu dùng có thể bị viêm nhiễm đường tiêu hóa, nhiễm giun sán hoặc nhiễm độc thuốc trừ sâu, thuốc kích thích,...
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trước đây đã từng tiếp nhận một bệnh nhân nữ 26 tuổi, quê Quảng Ninh, đi khám bởi vì thường xuyên cảm thấy bị ngứa ngoài da. Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy bệnh nhân này bị nhiễm đến 7 loại giun sán, bao gồm: sán lá gan nhỏ, sán lợn, sán dây chó, sán lá phổi, sán máng, giun lươn và giun đũa chó, mèo vì thói quen ăn rau sống.
Những người nhiễm sán lá gan lớn thường trải qua hai giai đoạn. Giai đoạn sán đi qua gan kéo dài khoảng 2-4 tháng có những biểu hiện gồm: đau bụng vùng hạ sườn phải lan về phía sau hoặc vùng thượng vị, có thể đau âm ỉ, đôi khi dữ dội. Sốt nhẹ, thoáng qua, một số ít có thể sốt kéo dài, sốt cao, mệt mỏi, biếng ăn, sụt cân, cảm giác đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, nổi mề đay, sẩn da. Xét nghiệm máu có thể phát hiện tăng bạch cầu ái toan.
Siêu âm bụng có thể thấy các tổn thương ở gan dạng nhiều kén sán nhỏ tụ thành khối, đường hầm, phân nhánh, biểu hiện sự di chuyển của sán qua gan. Một số trường hợp, ấu trùng sán di chuyển lạc chỗ và gây tổn thương ở các vị trí bất thường như thành ruột, màng phổi, cơ thăn,...
Giai đoạn sán trưởng thành ở ống mật, kéo dài nhiều năm. Những biểu hiện lâm sàng trong giai đoạn này gồm: sốt, ăn không ngon, đau bụng biến mất. Trường hợp bị biến chứng tắc nghẽn đường mật với biểu hiện vàng da, sốt, đau bụng từng cơn. Siêu âm bụng phát hiện một khối mềm sáng gây tắc nghẽn đường mật ngoài gan.
Bệnh nhân nhiễm giun sán nếu điều trị không kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề như tắc ruột, lồng ruột, viêm ruột thừa, thủng ruột, tắc ống dẫn mật, nhiễm trùng ống dẫn mật, xơ gan cổ trướng, u gan...
Các loại rau sống như xà lách, húng chó, mùi,... cũng tiềm ảnh nguy cơ gây nên bệnh đường ruột bởi khuẩn phẩy tả có thể sống trên rau sống 3-10 ngày; khuẩn E.coli sống được một tuần và thường kéo theo các vi khuẩn đường ruột khác, ký sinh trùng như trứng giun...
Các loại ký sinh trùng phổ biến trong rau sống là giun kim, giun móc, giun tóc, trứng giun đũa chó, sán lá gan, ký sinh trùng amip… Chúng thường có nhiều trong rau ngổ, mùi ta, mùi tàu…