Thực phẩm Bích Chi (BFC): Năm 2023, nợ vay và nợ thuê tài chính tăng
(Thị trường tài chính) - Cuối năm 2023, tổng nợ của Thực phẩm Bích Chi tăng 13% lên 127,9 tỷ đồng, trong đó, nợ vay và nợ thuê tài chính tăng 36% lên 53,1 tỷ đồng. Toàn bộ nợ này đều là nợ ngắn hạn, bao gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (42 tỷ đồng), Ngân hàng TNHH MTV Hong Leong Viet Nam (4,8 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (6,3 tỷ đồng).
Công ty CP Thực phẩm Bích Chi (BFC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 và lũy kế cả năm với kết quả khá tích cực.
Trong quý cuối cùng năm 2023, BFC ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đã đạt 172,7 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022. Giá vốn hàng bán tăng 17% lên 133,4 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính giảm 22% xuống còn 5,3 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính giảm 37% xuống còn 1,2 tỷ đồng. Chi phí bán hàng duy trì ổn định ở mức 13,8 tỷ đồng, và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 10% xuống còn 7,8 tỷ đồng.
Kết quả, Thực phẩm Bích Chi báo lãi sau thuế 14,1 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng cộng trong năm 2023, Thực phẩm Bích Chi ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 603,4 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính đạt 13,5 tỷ đồng, giảm lần lượt 15% và 11% so với năm 2022.
Lũy kế trong năm 2023, lợi nhuận sau thuế đạt 63,7 tỷ đồng, giảm 41% so với năm trước.
Trong kế hoạch năm 2023, Thực phẩm Bích Chi đã đề ra mục tiêu doanh thu khoảng 580 - 680 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế khoảng 48 - 54 tỷ đồng. Với kết quả trên, công ty đã vượt mức 4% về doanh thu và 33% về lợi nhuận so với kế hoạch năm.
Đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Thực phẩm Bích Chi là 481,7 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Trong đó, số tiền mặt là 168,3 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm, và hàng tồn kho giảm không đáng kể, còn 104,4 tỷ đồng.
Cuối năm 2023, tổng nợ của Thực phẩm Bích Chi tăng 13% lên 127,9 tỷ đồng, trong đó, nợ vay và nợ thuê tài chính tăng 36% lên 53,1 tỷ đồng. Toàn bộ nợ này đều là nợ ngắn hạn, bao gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (42 tỷ đồng), Ngân hàng TNHH MTV Hong Leong Viet Nam (4,8 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (6,3 tỷ đồng).
Thực phẩm Bích Chi được thành lập năm 1966, tiền thân là của công ty này là nhà máy bột Bích Chi. Năm 1976, nhà máy chuyển về trực thuộc công ty sữa cà phê miền Nam (tiền thân công ty Sữa Việt Nam – Vinamilk ngày nay). Khoảng thời gian đó, nhà máy và thương hiệu bột Bích Chi tự nguyện cho nhà nước và tỉnh Đồng Tháp tiếp quản.
Năm 2001, Công ty bột Bích Chi được cổ phần hóa, đổi tên thành công ty cổ phần thực phẩm Bích Chi.
Công ty Bích Chi có nhiều sản phẩm như: cháo gạo lức muối mè, bột mè đen, bột năm thứ đậu, sản phẩm chế biến từ bột gạo (phở, hủ tiếu, bún gạo), bánh tráng, bánh phồng tôm, nui bằng bột gạo thay thế bột mì và các mặt hàng bánh hỏi ăn liền, phở ăn liền, hủ tiếu ăn liền… Trong đó, có trên 2.000 tấn bột gạo lứt, xuất khẩu đạt 12,5 triệu USD, tổng doanh số trên 600 tỷ đồng/năm.