Khởi tố cựu CEO Tập đoàn Cao su Việt Nam Trần Ngọc Thuận
(Thị trường tài chính) - Ngày 17/7, Bộ Công an đã thông báo về việc khởi tố và bắt tạm giam ông Trần Ngọc Thuận, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam, với tội danh Nhận hối lộ.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Hồng, nguyên Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng bị khởi tố và bắt tạm giam vì Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ngoài ra, ông Võ Sỹ Lực, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Cao su Việt Nam, và ông Trần Thoại, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam, đều bị khởi tố với tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Theo Bộ Công an, các quyết định này được đưa ra trong quá trình Cơ quan Cảnh sát điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan. Cơ quan điều tra đang tiếp tục củng cố tài liệu, chứng cứ và mở rộng điều tra, áp dụng các biện pháp theo quy định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Trước đó, ông Trần Ngọc Thuận đã xin từ nhiệm vị trí Thành viên Hội đồng quản trị, và Hội đồng quản trị GVR sẽ trình Đại hội đồng cổ đông gần nhất xem xét thông qua thủ tục miễn nhiệm.
Ông Trần Ngọc Thuận, sinh năm 1960, là kỹ sư Cơ khí Nông nghiệp và có thời gian dài gắn bó với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Ông Thuận được bổ nhiệm làm Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn từ ngày 1/1/2012. Tháng 5/2018, ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn và giữ chức vụ này đến tháng 1/2022. Tại Báo cáo quản trị năm 2023, ông Thuận nắm giữ 0,00762% vốn điều lệ GVR. Đáng chú ý, năm 2020, ông lọt vào Top 5 tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong quý I/2024, GVR ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 4.590,3 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng 12% lên 3.509,4 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính kỳ này giảm nhẹ từ 231,1 tỷ đồng xuống 227 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm 22% còn 111,3 tỷ đồng, trong đó, chi phí lãi vay là 94 tỷ đồng, chiếm khoảng 85%. Chi phí bán hàng tăng 4% lên 113,2 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp gần như đi ngang, ở mức 363,4 tỷ đồng.
Kết quả, Cao su Việt Nam báo lãi trước thuế 778,5 tỷ đồng, lãi sau thuế 650 tỷ đồng, lần lượt giảm 18% và 16% so với cùng kỳ năm trước.
Giải trình về kết quả này, Cao su Việt Nam do biết lợi nhuận sau thuế giảm chủ yếu do thu nhập từ bồi thường thu hồi đất, trả đất về địa phương kỳ này giảm so với kỳ trước làm lợi nhuận khác giảm mạnh (từ 336,1 tỷ đồng xuống 69,9 tỷ đồng trong quý I/2024).
Tại ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Cao su Việt Nam ở mức 76.913,1 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn giảm nhẹ còn 2.454,7 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm 8% còn 3.084,5 tỷ đồng. Trữ tiền gần như đi ngang, ghi nhận 16.355,8 tỷ đồng.
Cụ thể, Cao su Việt Nam có hơn 4.600 tỷ đồng tiền và tương đương tiền (giảm 953 tỷ đồng so với đầu năm), trong đó có 1.743 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp có 11.743 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng (tăng 400 tỷ đồng so với đầu năm). Tương ứng tổng tiền gửi tại ngân hàng có gần 14.000 tỷ đồng.
Tính đến hết quý I/2024, tổng nợ phải trả của Cao su Việt Nam giảm 9% còn 20.895 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tài chính là 5.927,4 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm.