Đổ tiền cho “thông minh hóa”, ông lớn bóng đèn, phích nước thu lãi tiền tỷ mỗi ngày
(Thị trường tài chính) - Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (mã: RAL) báo lãi sau thuế năm 2023 đạt 584 tỷ đồng, tăng 20%. Điều này đồng nghĩa với việc Rạng Đông báo lãi khoảng 1,6 tỷ đồng mỗi ngày.
Năm 2023, lợi nhuận sau thuế đạt 584 tỷ đồng, tăng 20%
Theo báo cáo tài chính quý IV/2023, Rạng Đông đã ghi nhận một kết quả tích cực, với doanh thu thuần đạt 3.374 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán cũng tăng 25% lên 2.697 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 23% xuống còn 20%.
Dù biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 23% xuống còn 20% trong quý 4, tuy nhiên, cả năm 2023, Rạng Đông vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh, từ hơn 16 tỷ xuống còn hơn 4 tỷ đồng. Các chi phí tài chính giảm 22%, đạt hơn 29 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay, gần 26 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm 44% với hơn 44 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí bán hàng có mức tăng khá lớn, lên đến 43%. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Rạng Đông giảm nhẹ 7% so với cùng kỳ, đạt 194,5 tỷ đồng.
Nếu xem xét cả năm 2023, doanh thu thuần của Rạng Đông đạt 8.316 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế tăng 2%, đạt 618 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế đạt 584 tỷ đồng, tăng 20%. Điều này đồng nghĩa với việc Rạng Đông báo lãi khoảng 1,6 tỷ đồng mỗi ngày, mức lợi nhuận khá ấn tượng.
Trong năm 2023, Rạng Đông đã vượt mục tiêu kinh doanh, đặc biệt là doanh thu, khi đạt 36% cao hơn kế hoạch và lợi nhuận tăng 69% so với kế hoạch đề ra.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Rạng Đông tăng 16% so với đầu năm, đạt 7.783 tỷ đồng. Nợ phải trả của công ty là 4.809 tỷ đồng, tăng gần 800 tỷ đồng, tương đương 17% so với đầu năm, chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.
Một Rạng Đông mới với "điểm nhấn" chuyển đổi số
Năm 2024, Công ty đặt mục tiêu sẽ trở thành một Rạng Đông mới - doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp dân tộc, tiên phong dẫn dắt theo các trào lưu xu hướng của thời đại như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, tiếp tục phấn đấu hoàn thành bằng được nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đã đề ra.
Trước đó, tại cuộc làm việc của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng với Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông về chuyển đổi số hồi tháng 4/2023, ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xuất hiện thêm không gian số tạo nên môi trường thực - số với dữ liệu và kết nối tạo nên cách sống, cách làm việc thông minh, công ty đã quyết định phải thay đổi, phải chuyển đổi số.
Quá trình chuyển đổi số, gồm hoàn thành 3 lần chuyển tầng công nghệ; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao trình độ quản trị - chuẩn hóa quy trình; thay đổi mô hình tổ chức, cùng với đó công ty định hình bản sắc văn hóa và chiến lược chuyển đổi số.
Kết quả, chuyển đổi số đã giúp công ty nâng cao trình độ công nghệ số phục vụ điều hành sản xuất. Xây dựng hệ thống sản xuất thông minh, linh hoạt, hướng tới đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng loạt cho các nhu cầu cá biệt hóa của khách hàng. Rạng Đông tập trung 3 lĩnh vực: Sản phẩm cho nhà thông minh, sản phẩm cho thành phố thông minh và sản phẩm cho nông nghiệp thông minh. Trong đó, công ty đã cung cấp 27 đơn hàng cho các địa phương triển khai thành phố thông minh với các thiết bị cảm biến môi trường, cảm biến an ninh; hoặc cung cấp giải pháp chiếu sáng cho tàu cá phục vụ ngư dân đánh bắt hải sản…
Trước chuyển đổi số, tăng trưởng doanh thu 8-10%/năm, sau chuyển đổi số nhất là trong thời gian dịch Covid-19, doanh thu công ty tăng trưởng tới 21%/năm.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Rạng Đông đã tìm thấy từ khóa quan trọng nhất của chuyển đổi số là “thông minh hóa”. Tài sản mà Rạng Đông đang có là tài sản rất lớn nhưng lại thuộc thế hệ cũ, không thông minh. "Làm thông minh hóa những máy móc của thế hệ cũ tức là đã biết cách chế tạo lại chúng, biến chúng từ thế hệ 2.0, 3.0 thành 4.0. Vậy là một cách vô thức, Rạng Đông đã từ một doanh nghiệp sử dụng công nghệ, sử dụng thiết bị, máy móc thành một doanh nghiệp chế tạo công nghệ, chế tạo máy móc sản xuất. Đây chính là chuyển đổi số căn bản của một doanh nghiệp sản xuất"- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Hùng, công nghiệp hóa chính là chuyển đổi số nhà máy sản xuất, làm thông minh hóa nhà máy sản xuất. Chuyển đổi số thì khó nhất là đối với các doanh nghiệp có di sản lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất với các nhà máy cũ nhưng Rạng Đông đã làm được việc đó. Điều này gây cảm hứng cho tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đang muốn chuyển đổi số. Cái chưa thông minh mà làm cho thông minh nhiều khi là dễ hơn việc làm cho cái đã thông minh trở thành thông minh hơn. Rạng Đông chuyển đổi nhưng vẫn giữ cái gốc của mình là sản xuất và vẫn là sản xuất thiết bị chiếu sáng. Chỉ có điều là thay đổi công nghệ chiếu sáng. Cái gốc của mình vẫn luôn là sức mạnh, là cái mà người khác không dễ gì mà có được. Phát triển trên cái gốc, cái nền nhà mình thì bao giờ cũng vững. Công nghệ thì cũng chỉ là cái để làm cho vững cái gốc, cái nền và làm thêm những cái mới trên cái nền ấy. Nếu nghĩ như vậy thì lịch sử trên 60 năm của Rạng Đông sẽ không phải là một gánh nặng mà là một cái nền vững chắc.