Trái phiếu doanh nghiệp bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc trong những trường hợp nào?
(Thị trường tài chính) - Theo quy định tại Khoản 5 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, trái phiếu doanh nghiệp bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc nếu thuộc một trong các trường hợp
Trong thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp và luôn nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư.
Trái phiếu niêm yết được hiểu là loại trái phiếu được đăng ký và lưu ký đầy đủ tại Trung tâm lưu ký chứng khoán và được phép giao dịch trên các sàn giao dịch chứng khoán tập chung như HNX và HOSE. Các giao dịch trái phiếu sẽ tuân theo quy định của Sở giao dịch chứng khoán niêm yết.
Thời gian qua, một số doanh nghiệp bị cơ quan chức năng thông báo về việc hủy niêm yết trái phiếu của một số doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, có thể kể đến như: ngày 12/01/2024, hủy niêm yết 7.000.000 trái phiếu SBT121002 của CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa; ngày 17/01/2024, hủy niêm yết 10.524.298 trái phiếu BID122003 của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam; ngày 29/01/2024, hủy niêm yết 15.150.000 trái phiếu VC121003 của Tập đoàn Vingroup – Công ty CP; ngày 31/01/2024, hủy niêm yết 9.677.400 trái phiếu BVB122028 của Ngân hàng TMCP Bản Việt;…
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, trái phiếu doanh nghiệp bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Trái phiếu đến thời gian đáo hạn hoặc trái phiếu niêm yết được tổ chức phát hành mua lại toàn bộ trước thời gian đáo hạn.
- Tổ chức niêm yết trái phiếu chấm dứt sự tồn tại do giải thể hoặc phá sản.
- Tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ 01 năm trở lên.
- Tổ chức niêm yết bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành;
- Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
- Tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết hoặc có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 03 năm liên tiếp.
- Tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 03 năm liên tiếp.
- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán phát hiện tổ chức niêm yết giả mạo hồ sơ niêm yết.
- Tổ chức niêm yết bị xử lý vi phạm về các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 7 Điều 12 Luật Chứng khoán 2019.
- Tổ chức niêm yết bị đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động đối với ngành nghề hoặc hoạt động kinh doanh chính.
- Trường hợp tổ chức niêm yết thực hiện chia, tách doanh nghiệp
- Tổ chức phát hành không đưa trái phiếu vào giao dịch trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được chấp thuận niêm yết.