Chuyên gia gọi tên những nhóm ngành dự báo bùng nổ đến cuối năm
(Thị trường tài chính) - Các chuyên gia dự báo, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ tăng tốc mạnh trong 6 tháng cuối năm với mức tăng ước tính 25% so với cùng kỳ. Tương tự, danh mục cổ phiếu mà Rồng Việt phân tích, đại diện cho khoảng 60% vốn hóa sàn HoSE, có mức tăng trưởng 25% so với cùng kỳ.
Kỳ vọng sự bùng nổ cho phần còn lại của năm
Nhìn về triển vọng kết quả kinh doanh cho phần còn lại của năm, các chuyên gia tại Chứng khoán Rồng Việt dự báo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sẽ tăng tốc mạnh trong 6 tháng cuối năm với mức tăng ước tính 25% so với cùng kỳ. Tương tự, danh mục cổ phiếu mà Rồng Việt phân tích, đại diện cho khoảng 60% vốn hóa sàn HoSE, có mức tăng trưởng 25% so với cùng kỳ.
Động lực tăng trưởng được các chuyên gia tại đây dự báo đến từ sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng nhờ nhu cầu mở rộng của nền kinh tế giúp tăng trưởng tín dụng năm 2024 có thể đạt mức mục tiêu 14% - 15% so với năm 2023; quy mô nợ xấu sẽ giảm nhẹ vào cuối năm khi các ngân hàng có vị thế về lợi nhuận trước dự phòng tốt hơn so với năm 2023 để tiếp tục hấp thụ và làm sạch bảng cân đối; hoạt động kinh tế phục hồi giúp giảm áp lực nợ xấu hình thành và giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu.
Bên cạnh cạnh đó, nhóm bất động sản cũng được dự báo sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng lợi nhuận trong nửa cuối năm dựa trên mức nền thấp của cùng kỳ, khi các chủ đầu tư lớn như VHM, KDH hay NLG tập trung bàn giao sản phẩm đã mở bán từ trước.
Đối với các nhóm ngành khác có tỷ trọng đóng góp lớn vào tăng trưởng lợi nhuận, hàng và dịch vụ công nghiệp, bán lẻ, nhóm cổ phiếu hàng không sẽ là những điểm nhấn chính đóng góp vào bức tranh tăng trưởng chung khi triển vọng sản xuất công nghiệp tích cực, biên lợi nhuận cải thiện khi cuộc chiến giá đi đến hồi kết đối với lĩnh vực bán lẻ, chi phí nguyên liệu hạ nhiệt ở nhóm ngành hàng tiêu dùng, và các doanh nghiệp hàng không ghi nhận quý thứ hai liên tiếp có lợi nhuận dương nhờ giá bán và sản lượng tăng.
TTCK trong những phiên đầu tháng 8 phản ứng tiêu cực theo xu hướng điều chỉnh của các thị trường chứng khoán toàn cầu. Tốc độ điều chỉnh của chỉ số mạnh hơn so với bức tranh kinh tế vĩ mô trong nửa đầu năm 2024.
“Chúng tôi kỳ vọng với việc điều chỉnh nhanh và mạnh, chủ yếu theo đà diễn biến của chứng khoán toàn cầu thay vì phản ánh bức tranh kém khả quan về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thì thị trường sẽ sớm cân bằng trở lại. Các NĐT đã tích lũy theo khuyến nghị của chúng tôi ở các kỳ báo cáo chiến lược trước có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu khuyến nghị. Bởi lẽ, các cổ phiếu được lựa chọn là cổ phiếu của các doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh tốt và KQKD trong nửa đầu năm 2024 nói riêng và cả năm 2024 nói chung”, chuyên gia tại Chứng khoán Rồng Việt chia sẻ.
Cho nửa cuối năm 2024, các chuyên gia tại đây cho rằng, môi trường chính sách tiền tệ ôn hòa và các nhóm doanh nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận khả quan sẽ là động lực để thị trường sớm phục hồi.
Do vậy, cổ phiếu lựa chọn cho nửa cuối năm của các chuyên gia tại Chứng khoán Rồng Việt đưa ra là cổ phiếu của những doanh nghiệp duy trì được xu hướng phục hồi/tăng trưởng lợi nhuận ở các ngành hàng tiêu dùng, thép, ngân hàng, khu công nghiệp, thủy sản. Ngoài ra, nhóm ngành dệt may cũng là nhóm ngành mà nhà đầu tư có thể quan tâm trở lại nếu có sự chiết khấu mạnh về giá cổ phiếu trong các đợt điều chỉnh của thị trường khi mà xu hướng lợi nhuận của ngành này là khả quan.
Nhận định về nhóm ngành sẽ dẫn dắt thị trường từ nay đến cuối năm, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) - Trần Thăng Long cho rằng, bên cạnh những nhóm như ngân hàng, bất động sản, vật liệu xây dựng thì nhóm được dự báo có tín hiệu khả quan là những nhóm ngành liên quan đến xuất nhập khẩu. “Đến thời điểm hiện tại, nhóm ngành này đang tăng trưởng trở lại rất nhanh, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chúng ta đã tăng 16%, đấy là một tín hiệu rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị xuất nhập khẩu, chẳng hạn như logistic, hay cảng biển, kho bãi, hàng không, hay nhóm ngành mà liên quan đến khu công nghiệp hay nhóm ngành trực tiếp xuất xuất khẩu như dệt may, da giày, hay thủy sản...”, ông Trần Thăng Long cho hay.
Cũng theo ông Trần Thăng Long, công nghệ cũng càng ngày càng phổ biến hơn và không chỉ những doanh nghiệp công nghệ mà bây giờ tất cả các doanh nghiệp đều quan tâm đến công nghệ chuyển đổi số, về Cloud, AI. “Tôi nghĩ rằng đây không phải là xu hướng của riêng Việt Nam, nó là xu hướng chung của thế giới”.
VN-Index lọt TOP thị trường có hiệu suất tốt nhất toàn cầu
Trong nửa đầu năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến đà rút ròng mạnh của khối ngoại theo xu thế chung của các thị trường cận biên và mới nổi. Điều này bắt nguồn từ sự ngược pha về chính sách tiền tệ giữa FED và phần lớn các NHTW khác trong nửa đầu năm.
Ngoài ra, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng và có dấu hiệu giảm phát kết hợp với việc lĩnh vực bất động sản tiếp tục dò đáy khiến cho niềm tin khối ngoại về tăng trưởng của các thị trường phát triển tại châu Á bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn là đối tượng mua ròng và là người chơi chính trên thị trường, trong bối cảnh lợi nhuận duy trì xu hướng phục hồi từ cuối năm 2023 đến quý đầu năm 2024 và mặt bằng lãi suất huy động trong nền kinh tế tiếp tục giảm dưới nỗ lực hỗ trợ chính sách tiền tệ của nhà điều hành. Điều này tạo ra mức chênh lệch lợi tức đầu tư giữa thị trường chứng khoán (E/P) và các kênh đầu tư truyền thống trở nên hấp dẫn hơn so với quá khứ, qua đó thị trường đón nhận lượng nhà đầu tư mới khá đáng kể, kèm dòng tiền lớn dẫn dắt đà tăng của thị trường.
Sang quý 2, TTCK có nhiều đợt biến động trong kênh 1180 – 1300 điểm do những cơn gió ngược như biến động nhân sự ở thượng tầng Trung ương, áp lực của tỷ giá gia tăng và nợ xấu ngành ngân hàng chưa cho thấy tín hiệu suy giảm. Tuy nhiên đà tăng vẫn được giữ vững dưới bệ đỡ của dòng tiền nội.
Kết quả, VN-Index tăng 10,2% trong 6 tháng đầu năm 2024 và thuộc nhóm thị trường có hiệu suất tốt nhất toàn cầu và vượt trội hơn so với những thị trường cùng hạng cận biên và mới nổi.
VN-Index lọt TOP thị trường có hiệu suất tốt nhất toàn cầu
Song hành cùng mức tăng trưởng kinh tế cao trong nửa đầu năm, kết quả kinh doanh 6 tháng của các doanh nghiệp niêm yết ghi nhận xu hướng phục hồi và tăng trưởng ở hầu hết các nhóm ngành, đặc biệt từ đầu quý 2 nhờ tăng trưởng quy mô, cải thiện vòng quay tài sản và biên liên lợi nhuận.
Chuyên gia cho biết, các rủi ro vẫn đang hiện hữu trên thị trường như thông điệp và quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của FED, căng thẳng địa chính trị và thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước. “Mặc dù đến cuối cùng, những cơn gió ngược rồi sẽ qua đi, TTCK thường phản ứng mạnh và tiêu cực hơn so với thực tế. Điều này có thể khiến chỉ số VN-Index biến động tiêu cực hơn mức định giá hợp lý của chỉ số”, Rồng Việt nhận định.