Chứng khoán tháng 7: Tích lũy chờ cuối năm?
(Thị trường tài chính) - Các chuyên gia cho rằng, trong tháng 07/2024, VN-Index tiếp tục tích lũy trong kênh tích lũy giá hẹp quanh hỗ trợ 1.200 - 1.230 điểm đến 1.280 điểm – 1.300 điểm, vẫn chưa có khả năng hình thành xu hướng tăng giá mạnh.
Phục hồi sau nhịp điều chỉnh?
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.245,32 điểm. Trong tháng, nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số VN-Index là các ngân hàng lớn với BID (-11,9% MoM), VCB (-6,1% MoM), CTG (-3,7% MoM),… Ở chiều ngược lại, góp phần ảnh hưởng tích cực lên chỉ số là FPT (+10,3%), HVN (+23,4%), LPB (+ 12,6%) và POW (+19,7%).
Thanh khoản tăng vượt mức trung bình trong tháng 6/2024. Giá trị giao dịch trung bình phiên tháng 6 tăng 5,20% so với cùng kỳ năm trước và là tháng tăng thứ 2 liên tiếp, vượt mức trung bình.
Trong tháng 6, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tiếp tục bán ròng mạnh đột biến với giá trị 15.217 tỷ đồng. Tỷ trọng giao dịch của tổ chức nước ngoài tăng lên 9,43% so với tỷ lệ 8,74% trong tháng 5, trên mức trung bình 03 năm. Tổ chức trong nước sau khi bán ròng mạnh 4.335,09 tỷ đồng trong tháng năm, đã mua ròng trở lại 1.009,47 tỷ đồng trong tháng 6, với tỷ trọng giao dịch chiếm 7,91%, trên mức trung binh. Trong khi đó, đối ứng áp lực bán ròng của khối ngoại và tổ chức trong nước, nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục mua ròng mạnh với giá trị 15.582,35 tỷ đồng trong tháng 6. Tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân giảm nhẹ ở mức 82,25%, dưới mức trung bình 03 năm là 84%.
Về triển vọng tháng 7, các nhà phân tích của SHS nhận định, xu hướng trung hạn VN-Index đã phục hồi sau nhịp điều chỉnh và đang duy trì tích lũy với biên độ hẹp dần trong vùng 1.245 điểm - 1.255 điểm đến 1.300 điểm, nửa trên của kênh 1.180 điểm - 1.200 điểm đến 1.300 điểm, mở rộng lên 1.320 điểm.
Trong đó 1.200 điểm là vùng giá cao nhất năm 2018, 1.300 điểm - 1.320 điểm là vùng giá cao nhất tháng 06, 08/2022. Điểm cân bằng của kênh tích lũy trung hạn là vùng 1.245 điểm - 1.255 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất năm 2023, đây cũng là vùng hỗ trợ của đường xu hướng nối vùng giá thấp nhất tháng 11/2023 và tháng 04/2024 đến nay.
“Chúng tôi cho rằng, trong tháng 07/2024, VN-Index tiếp tục tích lũy trong kênh tích lũy giá hẹp quanh hỗ trợ 1.200 - 1.230 điểm đến 1.280 điểm – 1.300 điểm, vẫn chưa có khả năng hình thành xu hướng tăng giá mạnh”, SHS nhận định.
Theo SHS, tháng 7 cũng là thời điểm thị trường đón chờ thông tin về kết quả kinh doanh quý II/2024, qua đó cập nhật các yếu tố cơ bản, xem xét triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp. Diễn biến tích lũy của thị trường là phù hợp trong bối cảnh Căng thẳng địa chính trị trên thế giới gia tăng. Áp lực lạm phát, tỷ giá trong nước chưa hạ nhiệt. Nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng.
Các chuyên gia tại đây cho rằng, thời điểm tích cực có thể kỳ vọng ở thị trường chứng khoán là cuối quý III và đầu quý IV/2024, khi FED bắt đầu lộ trình giảm lãi suất, các yếu tố kém tích cực trên hạ nhiệt và áp lực thị trường trái phiếu giảm, dòng tiền trong nhóm bất động sản bắt đầu cải thiện.
Giao dịch 6 tháng đầu năm tăng gần 80%
Báo cáo của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho thấy, kết thúc quý II/2024, VN-Index đang ở mức 1.245,32 điểm, tăng 10,21% so với cuối năm 2023. Sau khi tăng điểm tốt 13,64% trong quý I/2024 với 03 tháng liên tiếp tăng mạnh, VN-Index chịu áp lực điều chỉnh mạnh ở vùng giá 1.300 điểm, hình thành kênh tích lũy biên độ hẹp dần với các vùng đáy cao dần trong các tháng của quý II/2024.
Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị giao dịch bình quân 3 sàn đạt 24.599 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh 79,2% so với cùng kỳ năm 2023 trong đó tăng mạnh nhất là tại sàn HOSE (+83%), tiếp theo là Upcom (+64,7%) và HNX (+38%).
Áp lực điều chỉnh được các chuyên gia đánh giá tương đối hợp lý sau khi VN-Index tăng mạnh 13,64% từ 1.128 điểm - 1.140 điểm lên vùng 1.285 điểm cuối quý I/2024. VN-Index đang ở trong vùng giá cao nhất năm 2023, duy trì kênh giá tăng trưởng dài hạn từ năm 2000 đến nay và kênh giá tăng trưởng trung hạn từ tháng 11/2023 đến nay.
Việc VN-Index tăng 10,21% so với cuối năm 2023 được đánh giá là mức tăng tốt khi xét các yếu tố tích cực như nền kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng tốt, tốc độ tăng trưởng GDP 06 tháng đầu năm là 6,42% và lãi suất đang ổn định trên nền thấp.
Với áp lực điều chỉnh cuối tháng 6/2024 ở vùng kháng cự mạnh 1.300 điểm, hầu hết các nhóm cổ phiếu đều giảm điểm trong tháng 6. Các nhóm mã chịu áp lực bán, điều chỉnh khá mạnh trong tháng 6 là VNMID (-2,75% MoM), VNSML (-2,19% MoM). Đây là áp lực điều chỉnh tương đối bình thường khi 02 nhóm mã này đã tăng giá tốt nhất trong tháng 5 như VNMID (+9,09%), VNSML (+10,07%). Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 chi tăng nhẹ 0,18% trong tháng 6 sau khi tăng 2,86% trong tháng 5.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, VN-30 vẫn là nhóm có diễn biến tích cực nhất với mức tăng 13%, dẫn dắt đợt tăng điểm trong Quý I và cũng phục hồi tốt sau đợt điều chỉnh vào tháng 4.