Chứng khoán trước giờ giao dịch 23/10: Ưu tiên quản lý rủi ro
(Thị trường tài chính) - Ở thời điểm hiện tại, việc quản trị rủi ro cần được ưu tiên hơn sau phiên giảm mạnh ngày 22/10, nhà đầu tư nên hạn chế việc mua bình quân giá xuống và căn bán từng phần ở các mã cổ phiếu trong danh mục vi phạm đến tiêu chí quản trị rủi ro.
Không nên vội vàng bán tháo cổ phiếu
Bức tranh toàn cảnh cho thấy sự thiếu vắng các yếu tố hỗ trợ đủ mạnh để giúp thị trường đảo chiều trong ngắn hạn, cùng với sự e ngại từ cả trong và ngoài nước. Xu hướng giảm giá được dự báo có thể tiếp tục nếu lực cầu không có sự cải thiện rõ rệt.
Theo Công ty Chứng khoán BETA, nhà đầu tư cần thận trọng, tuy nhiên không nên bán tháo cổ phiếu một cách vội vàng, đặc biệt đối với những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt. Đây là cơ hội để xem xét tích lũy cổ phiếu ở những vùng giá hấp dẫn. Điều quan trọng là cần kiên nhẫn và không chạy theo các biến động ngắn hạn của thị trường. Ngoài ra, nhà đầu tư cần theo dõi sát sao động thái từ khối ngoại và diễn biến của tỷ giá, vì đây là những yếu tố có thể ảnh hưởng mạnh đến thị trường.
Chuyên gia Công ty Chứng khoán Asean cho rằng, sức ép tâm lý từ các thông tin này là nguyên nhân khiến thị trường diễn biến tiêu cực trong ngắn hạn và giảm dần đi theo thời gian, tuy nhiên các chỉ số sẽ có những tín hiệu phục hồi tích cực hơn trong tương lai. Do đó nhà đầu tư cẩn trọng, quản trị danh mục theo sát diễn biến thị trường ngắn hạn xem xu hướng điều chỉnh này diễn ra trong bao lâu, các cổ phiếu có nền tảng tốt và kết quả kinh doanh quý 3 tích cực là tiêu điểm theo dõi sau khi xác nhận cân bằng xuất hiện.
Trong ngắn hạn, chuyên gia SHS khuyến nghị không nên mua đuổi. Xu hướng ngắn hạn trở nên kém tích cực. Có thể quá trình tích lũy điều chỉnh sẽ còn kéo dài khi sắp đến thị trường trống thông tin sau kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quí III/2024, cũng như thông tin bất định về bầu cữ Mỹ sắp đến. Nhà đầu tư cần duy trì tỉ trọng hợp lý, các vị thể giải ngân cần cẩn trọng chọn lọc các mã chất lượng tốt. Trường hợp tỉ trọng đầu cơ cao, danh mục mở rộng, cần xem xét cơ cấu các mã yếu kém hơn thị trường chung nếu có.
Trụ đỡ lao đao, VN-Index giảm mạnh cuối phiên
VN-Index trong phiên giao dịch 22/10 phục hồi nhẹ tại phiên sáng với mức độ phân hóa mạnh, thanh khoản suy giảm, sau đó áp lực bán gia tăng mạnh dần, khá đột biến trong cuối phiên chiều với thanh khoản gia tăng kém tích cực. Kết phiên VN-Index giảm 9,88 điểm về mức 1.269,89 điểm.
Thanh khoản khớp lệnh tăng mạnh trong những phút cuối phiên kéo theo thanh khoản khớp lệnh cả phiên duy trì tương đương mức bình quân 20 phiên giao dịch. Lũy kế cuối phiên giao dịch, thanh khoản trên sàn HSX đạt 732 triệu cổ phiếu (+28.27%), tương đương 19,026 tỷ đồng (+32.96%) về giá trị giao dịch.
Độ mở thị trường chìm trong sắc đỏ phiên thứ 3 liên tiếp với 18/21 nhóm ngành điều chỉnh. Gây áp lực lớn lên thị trường và tâm lý giao dịch trong phiên 22/10 là các nhóm ngành như: BĐS KCN (-2.97%), Nhựa (-1.89%), Thực phẩm tiêu dùng (-1.72%),...Ở chiều ngược lại, Cảng biển (+0.97%), Phân bón (+0.31%), BĐS dân cư (+0.18%) là những nhóm ngành duy nhất ngược dòng thành công.
Khối ngoại tiếp đà bán ròng phiên thứ 8 liên tiếp trên sàn HSX. Tính đến cuối phiên nhóm nhà đầu tư ngoại bán ròng với giá trị giao dịch đạt -138 tỷ đồng (-5.7tr USD). Tâm điểm bán ròng trong phiên 22/10 là nhóm cổ phiếu: FUEVFVND (-100 tỷ đồng: -4.1tr USD), KDH (-69 tỷ đồng: -2.8tr USD), VRE (-51 tỷ đồng: -2.1tr USD),...Ở chiều mua ròng, khối ngoại nâng tỷ trọng một số mã: MWG (+77 tỷ đồng: +3.2tr USD), TCB (+65 tỷ đồng: +2.6tr USD), BVH (+60 tỷ đồng: +2.4tr USD),...