Chứng khoán trước giờ giao dịch 15/11: VN-Index có thể lùi về mức hỗ trợ 1.208 điểm
(Thị trường tài chính) - Hiện tại, tín hiệu tích cực chưa có, áp lực bán vẫn đang chiếm ưu thế nên nhà đầu tư cần thận trọng trong việc mua mới. Phiên tiếp theo nếu ngưỡng 1.230 điểm không thể giữ vững thì khả năng lớn là VN-Index sẽ giảm về vùng hỗ trợ 1.208 điểm.
Giữ thái độ thận trọng, không vội vàng thực hiện các giao dịch
Trong phiên 14/11, mức giảm VN-Index khá sâu với khối lượng tương đương mức trung bình 20 phiên, đẩy VN-Index về vùng sát ngưỡng hỗ trợ 1.230 điểm. Tuy vậy VN-Index vẫn đóng cửa ở mức thấp nhất ngày và phá vỡ tín hiệu của nến đảo chiều Hammer hôm 13/11 cho thấy áp lực bán vẫn còn rất mạnh và khả năng còn tiếp diễn trong phiên tới. Áp lực tỷ giá USD/VND đang đè nặng lên thị trường khiến VN-Index vẫn đang trong xu hướng điều chỉnh.
Theo Công ty Chứng khoán kiến thiết Việt Nam, phiên tiếp theo nếu ngưỡng 1.230 điểm không thể giữ vững thì khả năng lớn là VN-Index sẽ giảm về vùng hỗ trợ 1.208 điểm. Hiện tại, tín hiệu tích cực chưa có, áp lực bán vẫn đang chiếm ưu thế nên nhà đầu tư cần thận trọng trong việc mua mới. Vị thế mua thăm dò trước đó chưa mang lại lợi thế nên hạn chế việc mua bình quân giá xuống, thậm chí cần kỷ luật căn bán những cổ phiếu vi phạm ngưỡng rủi ro.
Chuyên gia Công ty Chứng khoán BETA cho rằng, áp lực bán từ nhà đầu tư trong và ngoài nước đang khiến tâm lý thị trường trở nên khá thận trọng. Các tín hiệu kỹ thuật vẫn cho thấy xu hướng giảm trong ngắn hạn, và việc bắt đáy lúc này là quyết định mạo hiểm, có thể dẫn đến tổn thất. Mặc dù vậy, không thể loại trừ khả năng xuất hiện những cổ phiếu có sự tăng trưởng độc lập, thu hút dòng tiền và duy trì sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Do đó, lời khuyên dành cho các nhà đầu tư trong giai đoạn này là hãy giữ thái độ thận trọng, không vội vàng thực hiện các giao dịch, đặc biệt là khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng. Nhà đầu tư nên quan sát kỹ lưỡng, đánh giá tình hình thị trường và chỉ nên tham gia khi có sự xác nhận rõ ràng về lực cầu.
Trong ngắn hạn, thị trường tiếp tục chịu áp lực điều chình đến từ VN30 khi kiểm tra lại vùng giá quanh 1.285 điểm. Tuy nhiên, diễn biến thị trường cho thấy áp lực bán mạnh mở rộng qua nhiều mã, nhóm mã có tính chất đầu cơ. Một phần nguyên nhân do áp lực bán mạnh của khối ngoại và tỉ lệ dư nợ magrin, cắt lỗ ngắn hạn ở các mã, nhóm mã này.
Chuyên gia SHS khuyến nghị, nhà đầu tư cần duy trì tỉ trọng hợp lý, các trường hợp tỉ trọng đầu cơ, dư nợ cao, cần quản trị rủi ro đối với các vị thế ngắn hạn. Tỉ trọng dưới mức trung bình có thể xem xét, chọn lọc giải ngân các mã cơ bản tốt.
Khối ngoại xả mạnh, VN-Index lao dốc không phanh
Đảo ngược diễn biến phiên giao dịch 13/11, VN-Index trong phiên 14/11 phục hồi nhẹ lên vùng 1.250 điểm. Áp lực bán sau đó gia tăng, lực bán gia tăng và mở rộng mạnh hơn ở nhiều nhóm mã khi VN-Index không giữ được vùng giá 1.240 điểm, gần cuối phiên áp lực bán tiếp tục gia tăng khá đột biến. Kết phiên VN-Index giảm 14,15 điểm (-1,14%) về mức 1.231,89 điểm.
Thanh khoản thị trường tương đương với mức bình quân 20 phiên giao dịch, trong đó thanh khoản phiên sáng tương đối ảm đạm và chỉ thực sự tăng mạnh trong nửa sau phiên chiều. Lũy kế cuối phiên giao dịch, thanh khoản trên sàn HSX đạt 667 triệu cổ phiếu (+6,06%), tương đương 16,1 tỷ đồng (+5,16%) về giá trị giao dịch.
Độ mở thị trường bị nhấn chìm trong áp lực bán tháo với 18/21 nhóm ngành điều chỉnh. Lao dốc mạnh nhất và gây tâm lý tiêu cực lên chỉ số trong phiên 14/11 là các nhóm ngành như: Chứng khoán (-3,14%), Công nghệ viễn thông (-3,09%), Thép (-2,94%), Xây dựng (-1,87%),... Ở chiều ngược lại, một số nhóm ngành ngược dòng thành công bao gồm: Cảng biển (+0,66%), Dệt may (+0,44%), Nhựa (+0,35%),...
Khối ngoại bán ròng -944 tỷ đồng trên sàn HSX, nối dài chuỗi bán ròng phiên thứ 16 liên tiếp. Tâm điểm bán ròng trong phiên là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như: FPT (-200 tỷ đồng), VPB (-99 tỷ đồng), MSB (-84 tỷ đồng),... Ở chiều mua ròng, nhóm nhà đầu tư ngoại tăng tỷ trọng một số mã: HAH (+32 tỷ đồng), VRE (+26 tỷ đồng), MWG (+15 tỷ đồng),...