Bổ sung quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chứng khoán
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi thông tin về sửa đổi, bổ sung quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Sáng 10/10/2024, tiếp tục phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ Quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi (Ảnh: QH) |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, việc hoàn thiện pháp luật về tài chính - ngân sách, nhất là pháp luật trong các lĩnh vực như chứng khoán, kế toán, kiểm toán, ngân sách nhà nước, tài sản công, quản lý thuế, dự trữ quốc gia rất được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao để tạo động lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Trước sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội, các văn bản pháp luật về tài chính cũng đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nên cần phải được rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung.
Theo đó, Chính phủ đã khẩn trương rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các Luật trong lĩnh vực tài chính - ngân sách và đã xác định 7 Luật cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản luật có quy định liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân sách như Luật Đất đai năm 2024, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, Luật Tài nguyên nước năm 2023, Luật Đầu tư công... Do đó, cần phải rà soát, nghiên cứu để quy định cho đồng bộ, tránh chồng chéo, mâu thuẫn.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, ông Nguyễn Đức Chi cho hay, sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, bao gồm: Các quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; quy định chào bán chứng khoán ra công chúng; quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ; quy định về công ty đại chúng.
Sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán, bao gồm: Bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo; sửa đổi, bổ sung quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; sửa đổi, bổ sung quy định về hủy bỏ đợt chào bán.
Sửa đổi, bổ sung nhóm các quy định để tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán với mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, cụ thể là hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện được hoạt động bù trừ, thanh toán các giao dịch chứng khoán trên thị trường theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán, sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm: Việc Áp dụng Chuẩn mực quốc tế về kế toán (IFRS) và xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc áp dụng IFRS tại Việt Nam; hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ; giảm bớt thời gian, chi phí cho công tác kế toán của đơn vị; đơn giản nội dung chứng từ nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý; hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số; nâng cao tính minh bạch và tuân thủ báo cáo tài chính của các đơn vị có quy mô lớn.
Sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; đảm bảo sự nhất quán và phù hợp với các quy định khác của pháp luật.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán độc lập, sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý Nhà nước đối với kiểm toán độc lập, góp phần ổn định và phát triển kinh tế, bao gồm sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập; sửa đổi, bổ sung xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập.
Sửa đổi, bổ sung nhóm nội dung về nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập, tăng cường độ tin cậy các thông tin phục vụ quản lý, điều hành các hoạt động kinh tế; sửa đổi, bổ sung nhóm quy định mở rộng các đối tượng cần được kiểm toán bắt buộc, đảm bảo đầy đủ thông tin tin cậy phục vụ quản lý nhà nước và ra quyết định.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, sửa đổi, bổ sung cơ chế cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách sách cấp trên trực tiếp trên địa bàn, hỗ trợ các địa phương khác và chi viện trợ.
Sửa đổi, bổ sung quy định về chi ngân sách nhà nước thực hiện một số nhiệm vụ từ cả nguồn chi đầu tư và thường xuyên, bao gồm: Bổ sung mới một khoản tại Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước quy định chi ngân sách nhà nước (bao gồm cả nguồn chi đầu tư công, chi thường xuyên) cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; chi phí chuẩn bị, phê duyệt dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án...
Sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về chi đầu tư phát triển theo quy định của Luật Đầu tư công và nội dung chi đầu tư phát triển khác; bổ sung quy định cơ chế tài chính đặc thù để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam tại khoản 1 Điều 74 Luật Ngân sách nhà nước để đáp ứng tình hình thực tế nhiệm vụ của các cơ quan Đảng.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, sửa đổi, bố sung quy định về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công: Sửa đổi quy định về bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công; sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân từ cơ chế Chính phủ, Bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh “phân cấp” thẩm quyền sang cơ chế phân quyền cho Chính phủ, Bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh “quy định” thẩm quyền trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công; sửa đổi, bổ sung quy định về lập, phê duyệt Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng; sửa đổi quy định về phương thức đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng trực tiếp tổ chức khai thác tài sản theo hướng bỏ điều kiện về các trường hợp áp dụng phương thức này...
Sửa đổi, bổ sung các quy định về việc áp dụng pháp luật giữa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công với các văn bản quy phạm pháp luật khác, bao gồm: Bổ sung quy định các nội dung khác về quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên được thực hiện theo quy định của pháp Luật về đất đai, tài nguyên và pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất giữa các pháp luật; bổ sung quy định việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai...
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về hoàn thiện quy định để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý thuế, tăng cường trách nhiệm công vụ để đảm bảo công bằng, bình đẳng, minh bạch, thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật, bao gồm: Sửa đổi quy định về mức tiền phải trả lãi; quy định về thẩm quyền quyết định hoàn thuế; quy định liên quan đến nguyên tắc quản lý thuế; quy định về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh; quy định về biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế; quy tắc xác định thời gian tính tiền chậm nộp.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội thông qua mở rộng cơ sở thu, chống thất thu thuế, bao gồm: Sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc khai thuế, tính thuế nhằm mở rộng cơ sở thu, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số; sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan Thuế với các cơ quan liên quan; sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin người nộp thuế...
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dự trữ quốc gia, bổ sung cơ chế cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất hàng dự trữ quốc gia phục vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước; sửa đổi, bổ sung các quy định về phân cấp thẩm quyền cho Thủ tướng chính phủ quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia.