Biến lớn tại Quốc Cường Gia Lai có liên quan đến Tập đoàn Cao su Việt Nam?
(Thị trường tài chính) - Ngay sau thông tin Công an đến nhà bà Nguyễn Thị Như Loan - CEO Quốc Cường Gia Lai, kể từ đầu phiên giao dịch ngày 19/7, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai đã giảm sàn xuống còn 9.070 đồng/cp, với khối lượng dư bán ở mức giá sàn gần 2 triệu đơn vị.
Sáng nay, trước cửa căn biệt thự màu trắng của gia đình bà Nguyễn Thị Như Loan trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3, đã xuất hiện nhiều xe công vụ của Bộ Công an. Ở cổng sau biệt thự, nhiều ô tô biển xanh cũng án ngữ.
Hàng chục cảnh sát cơ động, điều tra viên và kiểm sát viên đã vào biệt thự, làm việc tại các phòng và tầng hầm. Hiện tại, cơ quan điều tra chưa công bố nội dung làm việc tại nhà bà Loan. Tuy nhiên, động thái này nằm trong quá trình mở rộng điều tra sai phạm tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan, trong đó có sai phạm tại dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4, TP HCM.
Đến nay, đã có ít nhất 16 người liên quan bị khởi tố.
Ngay sau khi thông tin này được công bố, kể từ đầu phiên giao dịch ngày 19/7, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai đã giảm sàn xuống còn 9.070 đồng/cp, với khối lượng dư bán ở mức giá sàn gần 2 triệu đơn vị. Đây là phiên giảm điểm thứ sáu liên tiếp của cổ phiếu này, bất chấp diễn biến của thị trường.
Trước đó, ngày 30/6, CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, nhưng do chỉ có đại diện hơn 18% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, ĐHĐCĐ đã không thể tiến hành. Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc QCG, vắng mặt tại cuộc họp vì lý do sức khỏe. Con gái bà Loan, bà Nguyễn Ngọc Huyền My, cũng không tham dự vì lý do cá nhân.
Hiện tại, bà Loan và bà Huyền My nắm giữ tổng cộng 51,3% vốn điều lệ của QCG, với bà Loan sở hữu gần 102 triệu cổ phần (37%) và bà Huyền My nắm giữ gần 39,4 triệu cổ phần (14,3%).
Trong quý I/2024, QCG ghi nhận doanh thu thuần chỉ đạt 39 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động tài chính đạt 6 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính chiếm 9 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp là hơn 3 tỷ đồng, và chi phí bán hàng chỉ hơn 321 triệu đồng do doanh thu sụt giảm. Kết quả, lãi sau thuế của QCG chỉ vỏn vẹn 651 triệu đồng, giảm 1/3 so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2024, QCG đặt mục tiêu doanh thu 1.300 tỷ đồng và lãi trước thuế 100 tỷ đồng, cao gấp 20 lần thực hiện của năm 2023. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh quý I, QCG mới chỉ hoàn thành chưa tới 1% kế hoạch.
Quy mô tài sản của QCG ở mức 9.515,7 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền tăng nhẹ lên 29,6 tỷ đồng; phải thu khách hàng ngắn hạn tăng 36,6% lên 388 tỷ đồng. Hàng tồn kho ở mức cao với 7.033 tỷ đồng, chủ yếu là bất động sản dở dang với 6.525 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, nợ phải trả giảm nhẹ xuống 5.161 tỷ đồng, phần lớn là nợ ngắn hạn với 4.903,4 tỷ đồng. Tổng nợ vay ở mức 4.562 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, 2.883 tỷ đồng là khoản tiền nhận từ Sunny cho dự án Phước Kiển. Số tiền này liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát, và QCG đã được Hội đồng Xét xử đề nghị hoàn trả lại cho Trương Mỹ Lan.
Cuối kỳ, QCG có gần 17 tỷ đồng nợ thuế và các khoản phải nộp Nhà nước, phải trả người lao động 1,2 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ở mức 4.354,4 tỷ đồng, trong đó có 543,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Trong kỳ, QCG mượn tiền và đặt cọc với các pháp nhân cá nhân lên tới 676,5 tỷ đồng, bao gồm: mượn 272 tỷ đồng từ CTCP Bất động sản Hiệp Phúc, mượn Công ty TNHH XD& KD Nhà Phạm Gia 152,8 tỷ đồng, mượn CTCP Thủy điện Mặt Trời 62 tỷ đồng, và đặt cọc CTCP Lyn Property 12,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, QCG còn mượn tiền từ các cá nhân như: Lầu Đức Duy gần 71 tỷ đồng, bà Nguyễn Như Loan hơn 78 tỷ đồng, Lại Thế Hà 18,2 tỷ đồng, Lại Thị Hoàng Yến hơn 9 tỷ đồng và Nguyễn Ngọc Huyền My 700 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Như Loan là Tổng Giám đốc QCG, Lầu Đức Duy là con rể bà Loan, Nguyễn Ngọc Huyền My là con gái bà Loan, Lại Thế Hà là Chủ tịch HĐQT QCG và Lại Thị Hoàng Yến là con gái ông Lại Thế Hà. Cuối kỳ, QCG cũng có khoản phải thu với bà Lại Thị Hoàng Yến hơn 3,8 tỷ đồng.
Ngày 23/5/2024, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án hình sự về việc "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các đơn vị liên quan.
9 bị can, gồm các cựu cán bộ từ Tập đoàn và các công ty liên quan, đã bị khởi tố, tạm giam và khám xét. Vụ án liên quan đến sai phạm tại dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn (TP.HCM), nơi đất công đã được chuyển đổi thành đất tư sau khi nhiều lần đổi chủ.
Khu đất ban đầu thuộc quản lý của Tổng công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa. Năm 2009, Công ty TNHH Phú Việt Tín được thành lập để đầu tư dự án. Năm 2014, Công ty Phú Việt Tín đã nộp tiền cho giá trị quyền sử dụng đất hơn 186 tỷ đồng, nhưng sau đó vốn góp của hai công ty này đã được bán cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG).
QCG sau đó đã chuyển nhượng 94% vốn góp tại Phú Việt Tín cho hai công ty khác với tổng số tiền gần 800 tỷ đồng. Đến năm 2017, Phú Việt Tín sáp nhập vào Công ty TNHH đầu tư và phát triển bất động sản Phúc Nguyên, đổi tên thành Nova Phúc Nguyên, và hiện tại khu đất đã trở thành chung cư cao cấp.