Siêu bão Yagi: Ô tô bị cây đổ, ngập nước, cột điện đè được bảo hiểm đền bù thế nào?
(Thị trường tài chính) - Bão Yagi độ bộ Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Bình... đã khiến nhiều xe ô tô hư hỏng vì ngập nước, bị cây đổ, cột điện đè.... Vậy, các trường hợp này sẽ được đền bù thế nào nếu khách hàng đã mua bảo hiểm phương tiện?
Chủ động bảo vệ tài sản trong cơn bão
Siêu bão Yagi đã chính thức đổ bộ vào Việt Nam, mang theo sức gió mạnh và lượng mưa lớn. Cảnh báo lũ lụt và gió mạnh đã được phát đi trên toàn quốc, đặc biệt là các khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão.
Tại Hà Nội, từ hôm qua đến chiều nay (7/9), mặc dù mắt bão chưa chính thức quét qua nhưng đã ghi nhận hàng loạt cây xanh đổ rạp, trong đó có cả những cây cổ thụ. Việc các cây xanh đổ do gió bão đã khiến nhiều xe ô tô đỗ dưới gốc cây ven đường bị đè bẹp, hư hỏng nhiều bộ phận.
Trước tình trạng này, để bảo vệ tài sản cá nhân và giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra nhiều cư dân tại khu đô thị Vinhome Thăng Long (huyện Hoài Đức) đã chủ động di chuyển ô tô khỏi các khu vực nguy hiểm. Hành động này được đánh giá là đặc biệt quan trọng vì cây cối ven đường và các cấu trúc xây dựng có thể dễ dàng bị sức gió của siêu bão Yagi làm gãy đổ, gây ra nguy cơ hư hỏng lớn cho phương tiện đỗ gần đó.
Theo ghi nhận thực tế, nhiều cư dân đã dọn dẹp ô tô của mình từ các vị trí gần gốc cây và di chuyển chúng đến các bãi trống hoặc những khu vực có ít nguy cơ cây đổ. Các bãi trống và khu vực mở không chỉ giúp giảm thiểu nguy cơ cây đổ mà còn làm giảm nguy cơ xe bị va đập bởi các vật thể lạ bị cuốn theo gió.
Chị Hoàng Lan, một cư dân tại đây, chia sẻ: “Chúng tôi đã được thông báo về cơn bão và quyết định di chuyển ô tô ngay khi nghe tin. Việc làm này có thể giúp giảm thiểu thiệt hại, và quan trọng hơn là đảm bảo an toàn cho gia đình và tài sản”.
Ngoài việc di chuyển xe ra khỏi các gốc cây, cư dân cũng đã tìm kiếm các khu vực đỗ xe an toàn hơn trong khuôn viên khu đô thị. Một số người đã sử dụng các bãi đỗ xe ngầm hoặc các khu vực được xây dựng chắc chắn để bảo vệ ô tô khỏi gió mạnh và mưa bão.
Ông Nguyễn Đức, một cư dân lâu năm tại Vinhome Thăng Long cho biết: “Chúng tôi đã sử dụng các khu vực đỗ xe trong nhà và các bãi đỗ xe có mái che kiên cố để bảo vệ ô tô khỏi mưa và gió. Đây có lẽ là cách tốt nhất để tránh thiệt hại không đáng có”.
Xe hỏng do bão lũ có được đền bù?
Trước trong và sau khi bão kéo đến, rất nhiều chủ phương tiện đã phải chứng kiến chiếc xe của mình bị hư hại do cây gẫy đổ vào xe, mái tôn văng hoặc xe bị ngập nước,…, lúc này, không ít người đã đặt câu hỏi về trách nhiệm bồi thường của các công ty bảo hiểm.
Trong mưa bão, cây cối gẫy đổ, các vật thể bay vào xe có thể gây thiệt hại về thân vỏ, thậm chí về máy móc của phương tiện. Nếu không mua bảo hiểm và không có lỗi của bất kỳ cơ quan tổ chức nào thì chủ phương tiện phải tự chịu chi phí sửa chữa, coi như rủi ro do thiên tai gây ra. Còn nếu có mua bảo hiểm thân vỏ, phía bảo hiểm sẽ thanh toán các chi phí như cẩu kéo, khắc phục, sửa chữa… theo nội dung hợp đồng.
Bảo hiểm thân vỏ xe ô tô là sản phẩm bảo hiểm cho các tổn thất, thiệt hại do những tác động từ bên ngoài mang tính chất không lường trước như thiên tai, tai nạn bất ngờ, lật, đổ, chìm, rơi toàn bộ xe, các trường hợp cháy nổ hoặc mất cắp bộ phận hay toàn bộ xe… Tùy từng trường hợp cụ thể được thỏa thuận trong hợp đồng mà khi xảy ra các tổn thất/thiệt hại, chủ xe sẽ được bồi thường một phần hoặc toàn bộ xe.
Tại hợp đồng bảo hiểm vật chất/quy tắc bảo hiểm xe cơ giới quy định rất rõ các rủi ro được bảo hiểm, phạm vi bồi thường và cả các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.
Xe bị ngập nước do thiên tai là trường hợp bất khả kháng (bao gồm nhưng không giới hạn bão lũ, lụt, sét đánh, giông tố, động đất, sóng thần…) đều thuộc trường hợp được bảo hiểm. Trường hợp ngập lụt gây ra cho cả một vùng rộng lớn khiến xe có mua bảo hiểm vật chất bị ngập nước gây ra thiệt hại thuộc trường hợp được bảo hiểm bồi thường thiệt hại.