88 triệu lượt khám chữa bệnh bằng BHYT từ đầu năm, áp lực lên quỹ BHYT ngày càng lớn
(Thị trường tài chính) - 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc đã có hơn 88 triệu lượt người đi khám chữa bệnh (KCB) BHYT, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ người bệnh nội trú là 9,98% tăng 0,08% so với cùng kỳ năm trước.
Thông tin trên được Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam - Lê Văn Phúc cho biết tại Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện chính sách BHYT 6 tháng cuối năm 2024 được tổ chức hôm nay (16/7).
6 tháng đầu năm 2024, cơ sở KCB đề nghị thanh toán số tiền từ Quỹ BHYT tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu chi phí, có điểm đáng lưu ý là chi phí tiền giường và vật tư y tế đang chiếm tỷ trọng lớn và có chiều hướng gia tăng.
Trong công tác kiểm soát chi phí KCB BHYT, ông Phúc cho biết, số lượt KCB BHYT trong tháng 6 so với tháng 5 toàn quốc giảm 9%; số lượt KCB BHYT của tất cả các tỉnh đều giảm; Số chi KCB BHYT thanh toán tháng 6, toàn quốc giảm gần 8%.
“Qua báo cáo của các địa phương, căn cứ số liệu chi phí 6 tháng cho thấy, hầu hết các tỉnh đã triển khai công tác cảnh báo và kiểm soát chi phí KCB BHYT theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam đạt được kết quả nhất định”, ông Phúc thông tin.
Tuy nhiên, ông Phúc cũng đánh giá, trong công tác kiểm soát chi phí KCB BHYT theo quy định của Nghị định số 75 của Chính phủ, nhiều BHXH địa phương lựa chọn cơ sở KCB có gia tăng chi phí bình quân để làm việc chưa tập trung, không phân nhóm để làm việc riêng mà làm việc còn dàn trải, do đó hiệu quả chưa cao.
Nhiều tỉnh làm việc với cơ sở KCB muộn, cuối tháng 5 đầu tháng 6 mới bắt đầu thực hiện; lựa chọn các nội dung, chỉ số gia tăng để cảnh báo còn dàn trải, không tập chung, đưa ra quá nhiều chỉ số, chưa cung cấp thông tin so sánh chỉ số gia tăng với các cơ sở cùng tuyến, cùng hạng trong tỉnh/theo khu vực hoặc toàn quốc. Do đó khó đánh giá, kiểm soát.
Bên cạnh đó, biên bản làm việc của cơ quan BHXH với cơ sở KCB không rõ ràng, cụ thể, chỉ nêu dấu hiệu, chưa phân tích được nguyên nhân gia tăng, chưa xác định được số tiền gia tăng cụ thể; có biên bản thiên về phân tích nguyên nhân khách quan cho cơ sở KCB…
Tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa đánh giá cao kết quả thực hiện công tác kiểm soát chi phí KCB BHYT của toàn ngành trong thời gian qua. Nhiều BHXH tỉnh, thành phố có phương pháp tốt, hiệu quả, nhận được sự đồng thuận của cơ sở y tế.
Về 6 tháng cuối năm 2024, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa đánh giá, công tác giám định, kiểm soát chi phí KCB BHYT sẽ có nhiều khó khăn, thách thức do những thay đổi về chính sách, trong đó việc tăng lương cơ sở sẽ tác động tăng giá dịch vụ tế, cùng một số yếu tố tăng kép nên áp lực lên quỹ BHYT là rất lớn. Vì vậy, các đơn vị trực thuộc, BHXH các địa phương cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm, nhất là vai trò người đứng đầu, thay đổi tư duy, cách tiếp cận trong thực hiện công tác kiểm soát chi phí KCB BHYT.
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa yêu cầu, thời gian tới, các đơn vị trực thuộc tích cực nghiên cứu, tham mưu góp ý hoàn thiện chính sách BHYT như: Dự thảo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung; các thông tư sử đổi danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật; hướng dẫn BHXH các địa phương giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT.
Về phía BHXH các địa phương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu, cần bám sát, nghiên cứu thực hiện nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn của BHXH Việt Nam; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác giám định, đảm bảo tính khách quan, tạm ứng, thanh toán đúng quy định.
Trong kiểm soát chi phí KCB BHYT, từ các hệ thống thống kê, cảnh báo của BHXH Việt Nam cung cấp, BHXH các địa phương cần phân tích, nắm được trên địa bàn các cơ sở, yếu tố tăng cao bất hợp lý để cảnh báo sớm. Cần chọn đúng nội dung cảnh báo, không cần phân tích nhiều chỉ số, chọn các chỉ số gia tăng rõ ràng nhất. Bên cạnh việc phân tích, đánh giá trong văn bản, cần có biểu mẫu minh họa cụ thể kèm theo. Ngoài việc so sánh chỉ số gia tăng tháng trước, tháng sau, cùng kỳ của cơ sở đó, cần cung cấp thông tin so sánh chỉ số gia tăng với các cơ sở cùng tuyến, cùng hạng trong tỉnh/theo khu vực hoặc toàn quốc để tăng tính thuyết phục.
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, BHXH các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế thực hiện đúng quy định về đăng ký KCB BHYT ban đầu; triển khai kiểm soát, chữa bệnh mãn tính tại tuyến cơ sở; hoàn thiện quyết toán chi phí KCB BHYT năm 2023 chặt chẽ, đúng quy định; chủ động phân tích đưa ra những chi phí không hợp lý để thống nhất bằng biên bản với Sở Y tế và các cơ sở KCB BHYT.