1 doanh nghiệp ở Hà Nội nợ 199 tháng đóng Bảo hiểm xã hội
(Thị trường tài chính) - Công ty CP LISOHAKA (Tầng 4 tòa nhà GAMI 11 Phạm Hùng, Nam Từ liêm, Hà Nội) đang nợ tới 199 tháng đóng bảo hiểm xã hội với tổng số tiền gần 7,6 tỷ đồng.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam TP Hà Nội vừa công khai danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) từ 01 tháng trở lên trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo đó, tính đến hết ngày 30/6, Hà Nội có 35.620 đơn vị chậm đóng BHXH. Trong đó, Công ty CP LISOHAKA (Tầng 4 tòa nhà GAMI 11 Phạm Hùng, Nam Từ liêm, Hà Nội) đang nợ tới 199 tháng đóng bảo hiểm xã hội với tổng số tiền gần 7,6 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp có số tháng nợ BHXH nhiều nhất trong danh sách này.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp, đơn vị khác có thời gian dài nợ BHXH phải kể đến: Công ty CP Xây dựng giao thông và thương mại 124 nợ 168 tháng với số tiền hơn 14 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên Xây dựng công trình giao thông 875 nợ 162 tháng với số tiền hơn 7,6 tỷ đồng; Công ty CP 116 - CIENCO 1 nợ 159 tháng với số tiền hơn 20 tỷ đồng;…
Xét về số tiền nợ, Công ty cổ phần anh ngữ APAX (tầng 2, tòa 25T1 Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, Hà Nội) đang nợ số tiền lớn nhất trong 35.620 đơn vị với số tiền hơn 58 tỷ đồng. Đến nay, công ty này đã nợ BHXH lên tới 52 tháng.
Công ty Cổ phần LILAMA3 (Số 86 đường Tân Xuân, Phường Xuân Đỉnh, Quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) xếp thứ 2 trong danh sách với số tiền nợ BHXH lên tới hơn 45 tỷ đồng. Công ty này đang nợ tới 112 tháng tiền BHXH.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có số tiền chậm đóng BHXH đứng đầu danh sách là: Cty TNHH May mặc XK VIT Garment nợ 43,5 tỷ đồng; Công ty CP Cầu 12 nợ 29,8 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty CP ô tô Xuân Kiên VINAXUKI – Nhà máy sản xuất tô số 1 nợ 25 tỷ đồng;…
Theo khoản 2 Điều 17 Luật BHXH năm 2014, hành vi chậm đóng tiền BHXH bị pháp luật đặc biệt nghiêm cấm.
Theo đó, doanh nghiệp có thể chậm đóng BHXH nhưng chỉ được chậm 29 ngày so với thời hạn quy định. Trường hợp chậm đóng BHXH từ 30 ngày trở lên, doanh nghiệp không chỉ bị xử lý vi phạm mà còn bị tính thêm tiền lãi.
Lãi suất được tính bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.