Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

70% khách hủy hợp đồng sau năm đầu tiên: Có nguyên nhân do ngân hàng “ép” mua bảo hiểm?

Song Anh

(Thị trường tài chính) - Về tình trạng khách hàng hủy hợp đồng sau năm đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết là do trước đây có tình trạng ngân hàng thương mại, nhân viên tư vấn cho người dân vay tiền phải mua bảo hiểm.

Sáng 18/3, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn theo chương trình Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm.

Có 17/19 công ty bảo hiểm nhân thọ là công ty liên doanh và công ty nước ngoài

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) cho biết, thời gian qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt là các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài bán các sản phẩm thông qua các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng có nhiều sai phạm. Nên đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết về kết quả xử lý sai phạm.

70% khách hủy hợp đồng sau năm đầu tiên: Có nguyên nhân do ngân hàng “ép” mua bảo hiểm? - ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) cho biết, thời gian qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ,đặc biệt là các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài bán các sản phẩm thông qua các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng có nhiều sai phạm

Tương tự, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) bày tỏ, qua kết quả thanh tra hồi tháng 7/2023 thì có công ty bảo hiểm có tới 70% khách hàng mua bảo hiểm hủy sau đợt đóng phí lần đầu. Do đó, đại biểu đã đề nghị Bộ Tài chính cho biết giải pháp để đảm bảo trong tương lai các doanh nghiệp bảo hiểm không có những sai phạm tương tự, nhất là trong bối cảnh Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) cấm bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc gắn với cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

70% khách hủy hợp đồng sau năm đầu tiên: Có nguyên nhân do ngân hàng “ép” mua bảo hiểm? - ảnh 2
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, hiện nay nước ta có 19 công ty bảo hiểm nhân thọ, nhưng có tới 17 công ty là của liên doanh và của nước ngoài

Về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, hiện nay nước ta có 19 công ty bảo hiểm nhân thọ, nhưng có tới 17 công ty là của liên doanh và của nước ngoài, nên hoạt động tư vấn và bán bảo hiểm chủ yếu do nhân viên và đại lý trong nước thực hiện. Vì thế, trong quá trình thực hiện, vai trò thanh tra, kiểm tra còn thiếu về định hướng, quản lý dẫn tới tình trạng nhân viên tư vấn sai, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. 

Do đó, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, phải xây dựng quy trình phối hợp thanh tra kiểm tra để thực hiện công bằng, đảm bảo đúng quy định trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Bộ trưởng cũng cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ theo kế hoạch và xử lý nghiêm, các kết quả xử lý luôn công khai trên báo chí và tăng cường giải quyết khiếu nại của người tham gia bảo hiểm khi các doanh nghiệp không làm tròn trách nhiệm.

Sẽ tiếp tục thanh tra các công ty bảo hiểm

Về kế hoạch thanh tra, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đã thanh tra được 10 công ty bảo hiểm và kế hoạch trong năm tới sẽ tiếp tục thanh tra 7 công ty bảo hiểm. Ngoài thanh tra theo kế hoạch để chấn chỉnh những sơ hở, những vi phạm, Bộ sẽ thanh tra đột xuất dựa trên đơn thư khiếu nại, tố cáo của người tham gia bảo hiểm…để chấn chỉnh, giải quyết quyền lợi cho những người tham gia bảo hiểm; kịp thời xử lý sai phạm để đảm bảo các công ty bảo hiểm tuân thủ pháp luật, thể hiện sự công bằng, minh bạch trên thị trường bảo hiểm.

Đồng thời, về tình trạng khách hàng hủy hợp đồng sau năm đầu tiên, Bộ trưởng cho biết là do trước đây có tình trạng ngân hàng thương mại, nhân viên tư vấn cho người dân vay tiền phải mua bảo hiểm. Nên sau khi doanh nghiệp vay được tiền, đóng bảo hiểm lần đầu đã tiến hành hủy ngang. Vì vậy, Bộ Tài chính đã phối hợp với cơ quan thanh tra, kiểm tra của ngân hàng để xử lý và ngắn chặn, trong đó yêu cầu khi tư vấn cần ghi âm đầy đủ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

Hơn nữa, trả lời thêm về những sai phạm trong tư vấn, “chèo kéo” khách hàng mua bảo hiểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định Bộ đã thực hiện kiểm tra, thanh tra khi có những khiếu nại, đồng thời xử phạt nghiêm minh. Đối với những vấn đề có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Bộ Tài chính sẽ chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xử lý.

Bộ trưởng cho biết, trước đây, có những hợp đồng kéo dài hàng chục trang, gây ra thiệt hại cho người tham gia bảo hiểm, nhất là trong nắm bắt thông tin. Tuy nhiên, khi sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm 2023 và các quy định liên quan, cơ quan soạn thảo đã dành một chương cho hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo hợp đồng bảo hiểm gọn hơn, rõ hơn, chặt chẽ hơn. Đồng thời cũng có quy định, trong vòng 21 ngày, nếu phát hiện hợp đồng bảo hiểm có sai sót thì người tham gia bảo hiểm có quyền đòi nhận lại tiền, công ty bảo hiểm phải trả lại cho người tham gia bảo hiểm. 

Có dấu hiệu lừa đảo hình sự sẽ được xử lý qua cơ quan điều tra hình sự

Liên quan đến bồi thường thiệt hại hay tổn thất, thương tật về người và tài sản cho bên thứ ba, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, quy định về việc bồi thường đã được nêu rõ trong Luật Bảo hiểm năm 2023. Khi việc thực hiện bồi thường thiệt hại bị chậm hoặc có dấu hiệu cố tình kéo dài, gây ra tranh chấp hiện có hai kênh giải quyết. Thứ nhất là gọi đến Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), đây là cơ quan có trách nhiệm giải quyết trong phạm vi phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Thứ hai, nếu có dấu hiệu lừa đảo hình sự sẽ được xử lý qua cơ quan điều tra hình sự.

Bộ trưởng nêu cụ thể, những vụ việc gây thiệt hại tính mạng mới cần hồ sơ của cơ quan công an trong thực hiện chi trả quyền lợi bảo hiểm, còn đối với các vụ việc không gây thiệt hại tính mạng thì hồ sơ đều được thực hiện và đền bù nhanh chóng qua hồ sơ điện tử, các hồ sơ ảnh...

Với chức năng quản lý nhà nước, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các công ty bảo hiểm thực hiện vấn đề này một cách nghiêm túc; công ty bảo hiểm nào cố tình dây dưa, không chi trả trả bảo hiểm thì chỉ đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm tổ chức thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại theo quy định.

Về bảo hiểm xe máy, đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) nêu ý kiến về việc có thể thay đổi quy định hiện nay theo hướng tự nguyện thay vì bắt buộc hay không.

Nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, tình hình tai nạn xe máy diễn ra phức tạp, chiếm 63% các vụ tai nạn, nên việc mua bảo hiểm xe máy cần là bắt buộc, vì quyền lợi của người dân. Đối với người tham gia bảo hiểm xe máy, số tiền nộp thì ít, số tiền hưởng thì nhiều, mỗi người được hưởng tối đa khoảng 150 triệu đồng, đây là hình thức bảo hiểm ưu tiên cho đối tượng yếu thế.

Đối với vấn đề số hóa, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bảo hiểm, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết đã tập trung chỉ đạo để các doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng hoàn thiện các cơ sở dữ liệu, số hóa, thanh toán không dùng tiền mặt, thiết lập hồ sơ, xác nhận thông tin qua hình thức điện tử để phù hợp với xu thế tương lai.