Hôm nay, Bộ Tài chính họp về xử lý doanh nghiệp bảo hiểm sai phạm
(Thị trường tài chính) - Theo nguồn tin của PV Chuyên trang Thị trường Tài chính- Báo Kinh tế và Đô thị, hôm nay, ngày 27/2, Bộ Tài chính họp với các đơn vị liên quan về nội dung xử phạt các doanh nghiệp bảo hiểm.
Được biết, hiện Bộ đang chọn thời điểm phù hợp để công bố Kết luận Thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm theo đúng các quy định của pháp luật.
Hoàn thành kết luận thanh tra 2 doanh nghiệp bảo hiểm
Trước đó, chiều 5/10/2023, tại họp báo thường kỳ quý 3 của Bộ Tài chính, ông Doãn Thanh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, đơn vị này đã hoàn thành thanh tra hai doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Một trong 2 doanh nghiệp là Dai-ichi.
Đại diện Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm cũng cho biết, đến cuối năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm theo kế hoạch.
Theo kết luận thanh tra được công bố hồi tháng 6/2023 của Bộ Tài chính với 4 doanh nghiệp bảo hiểm Prudential, Sun Life, BIDV Metlife, MB Ageas, Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm đã xác định hàng loạt sai phạm của các doanh nghiệp bảo hiểm gồm chưa triển khai đúng trình tự, thủ tục bán sản phẩm bảo hiểm.
Kết quả công tác thanh tra cho thấy việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới. Một số hành vi vi phạm điển hình như: Không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; Không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; Cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng ipad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin và Không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…
Đây là những hành vi sai phạm sẽ được Bộ Tài chính xem xét xử phạt hành chính theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh và tạo sự răn đe đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường. Các quyết định xử phạt sau khi ban hành sẽ được công khai với các cơ quan báo chí và dư luận nhằm đảm bảo khách quan, minh bạch.
Đồng thời, căn cứ kết quả thanh tra, Bộ Tài chính yêu cầu 4 doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện các biện pháp cụ thể.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bổ sung hàng trăm tỷ đồng vào doanh thu để tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Số tiền này do doanh nghiệp hạch toán chi phí chưa đúng quy định.
Theo đó, số tiền mà Prudential phải bổ sung vào thu nhập chịu thuế là 700 tỷ đồng, còn Sun Life là hơn 600 tỷ đồng, BIDV Metlife là 174 tỷ đồng…
Thanh tra “thúc” doanh nghiệp chấn chỉnh nhanh hơn
Ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, kết luận thanh tra công bố ngày 30/6 đã chỉ rõ những điểm cần khắc phục, chủ yếu nằm ở khâu thực thi quy định. Đó cũng là những trọng tâm mà các doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang tiếp tục tập trung giải quyết theo hướng chủ động, quyết liệt nhất. Kết luận công bố càng có tác dụng hướng dẫn, thúc đẩy điều chỉnh nhanh và hiệu quả hơn.
Đơn cử, Prudential Việt Nam cho biết đã cùng một đối tác ngân hàng thiết lập chuẩn mực bancassurance mới với 3 nội dung gồm: Xác lập hạn mức “tỷ lệ duy trì hợp đồng” tối thiểu; Thành lập “Ủy ban Quản lý chuẩn mực ứng xử khách hàng”; Thỏa thuận chỉ bán sản phẩm bảo hiểm phù hợp cho các nhóm khách hàng phù hợp.
Trong quý 3 này, doanh nghiệp sẽ hoàn thiện khung pháp lý để giám sát quản lý và xử lý khi phát hiện nhân viên ngân hàng vi phạm, tư vấn không đúng với bản chất sản phẩm mà Prudential đang bán qua kênh ngân hàng.
Tương tự, MB Ageas Life đã triển khai nhiều biện pháp trực tiếp, gián tiếp để đảm bảo chất lượng hoạt động của lực lượng đại lý bảo hiểm, như thuê bên thứ 3 khảo sát chất lượng tư vấn, mua hàng ẩn danh, tổ chức khóa đào tạo nghiệp vụ...
MB Ageas Life nhận thức rõ, hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là cơ hội phát hiện các tồn tại mà tự thân doanh nghiệp sẽ khó có thể nhận diện được đầy đủ. Việc phát hiện các tồn tại đã giúp MB Ageas Life cải tiến, hoàn thiện các hoạt động quản lý, kinh doanh, đồng thời giúp nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Về phía Sun Life Việt Nam, doanh nghiệp này đã liên tục có những cải tiến mạnh mẽ với cam kết tuân thủ các chuẩn mực đạo đức kinh doanh trong mọi hoạt động, thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, kiểm toán nội bộ theo kế hoạch thường niên cũng như tiến hành các đợt kiểm toán, kiểm tra độc lập và định kỳ theo yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo tuân thủ đầy đủ và ở mức cao nhất trong mọi hoạt động kinh doanh, bao gồm quản trị, tài chính, dịch vụ khách hàng, các quy trình nghiệp vụ, đào tạo đội ngũ nhân viên, tư vấn tài chính…
Doanh nghiệp còn lại là BIDV MetLife thông tin, đơn vị luôn đặt sự tuân thủ lên hàng đầu trong mọi khía cạnh kinh doanh và khẳng định giải quyết triệt để những kiến nghị được nêu ra trong kết luận thanh tra
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đang cùng các doanh nghiệp khẩn trương rà soát để sửa đổi bổ sung bộ quy tắc ứng xử dành cho đại lý bảo hiểm áp dụng chung cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, có chế tài xử phạt nghiêm trong trường hợp vi phạm.