HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Trở lại Nhà Trắng, ông Trump sẽ tái định hình kinh tế Mỹ như thế nào?

Vũ Bấc

(Thị trường tài chính) - Ông Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng với cam kết “bảo vệ nước Mỹ” bằng chính sách thuế quan, cứng rắn trong vấn đề nhập cư và cải thiện mức sống cho người lao động Mỹ.

Nhiều nhà kinh tế lo ngại rằng các chính sách được ông Trump hứa hẹn khi tranh cử sẽ gây áp lực lên lạm phát và kìm hãm tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong những năm sắp tới.

Gia tăng thuế quan

Ông Trump tuyên bố nhiều lần rằng sẽ áp thuế mạnh tay đối với mọi mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, đồng thời thực hiện chiến dịch trục xuất người di cư quy mô lớn nhất trong lịch sử. 

Ông cũng mong muốn có tiếng nói trong việc điều hành Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, những chính sách này có thể khiến lạm phát tăng và kìm hãm tăng trưởng trong dài hạn.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cũng đã cam kết cắt giảm thuế toàn diện, một yếu tố quan trọng góp phần vào chiến thắng của ông trước Phó Tổng thống Kamala Harris. 

Tuy nhiên, khả năng thực hiện cam kết này còn phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử Hạ viện. Ngay cả khi đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện, một Chính phủ chia rẽ sẽ khiến ông Trump phải đàm phán khắt khe hơn với Quốc hội về các chính sách tài khóa trong nhiệm kỳ tới. 

Theo giới phân tích, chính sách thuế quan của Trump, vốn được áp dụng mạnh mẽ cả với đồng minh và đối thủ, sẽ có ảnh hưởng lớn nhất đến kinh tế Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu, ông đã áp thuế lên khoảng 380 tỷ USD hàng nhập khẩu. Hiện tại, ông Trump hứa hẹn sẽ áp dụng các biện pháp khắt khe hơn, bao gồm mức thuế từ 10% đến 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu và 60% đối với hàng hóa Trung Quốc.

Trở lại Nhà Trắng, ông Trump sẽ tái định hình kinh tế Mỹ như thế nào? - ảnh 1
Tác động của Kế hoạch Thương mại và Thuế của ông Trump đối với GDP và chỉ số tiêu dùng CPI (đo lường lạm phát) của Mỹ

Ông Trump cho rằng thuế quan sẽ giúp tăng nguồn thu, giảm thâm hụt thương mại và thúc đẩy sản xuất trong nước. Với quyền hành pháp, ông Trump có thể đơn phương áp dụng các biện pháp thuế mà không cần thông qua Quốc hội.

“Ông ấy sẽ thúc đẩy các chính sách của mình ngay sau khi nhậm chức", Mark Zandi, kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, nhận định. “Những chính sách này sẽ có tác động ngay lập tức".

Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều nhận định rằng lạm phát sẽ tăng, khi người tiêu dùng phải chịu chi phí cao hơn do thuế quan áp lên hàng hóa nhập khẩu.

Moody’s dự báo trước cuộc bầu cử rằng nếu Trump đắc cử, lạm phát sẽ tăng lên ít nhất 3% vào năm tới — và có thể còn cao hơn nếu đảng Cộng hòa nắm quyền — từ mức 2,4% trong tháng 9, do thuế quan cao hơn và dòng lao động nhập cư giảm. 

Nếu các quốc gia mục tiêu trả đũa và chiến tranh thương mại bùng nổ, Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với “cú sốc đình lạm” (stagflation) theo lời Jay Bryson, nhà kinh tế trưởng của Wells Fargo, trong một hội thảo trực tuyến ngày 16/10 — cảnh báo về tình trạng sản xuất kinh doanh đình trệ trong khi lạm phát vẫn gia tăng.

Người thắng kẻ thua 

Jason Furman, cựu giám đốc Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Barack Obama, cho biết kịch bản như vậy sẽ đặt Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vào tình thế khó xử. Fed sẽ phải vừa tăng lãi suất để chống lạm phát, vừa phải cắt giảm lãi suất để ngăn ngừa nguy cơ suy thoái.

"Trong kinh tế, mọi thứ đều có người thắng và kẻ thua", Furman nói trong hội thảo trực tuyến ngày 17 tháng 10. "Trong trường hợp này, người thua là người tiêu dùng và các doanh nghiệp".

Ông Trump có thể quan điểm riêng và mạnh mẽ về cách Fed và Ngân hàng Trung ương điều tiết thị trường, đặc biệt là thông qua lãi suất. 

Áp lực lên Fed trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ khiến các nhà đầu tư lo lắng, vì lịch sử cho thấy các quốc gia cho phép các chính trị gia chỉ đạo chính sách tiền tệ có khả năng phải đối mặt với lạm phát cao hơn.

Trở lại Nhà Trắng, ông Trump sẽ tái định hình kinh tế Mỹ như thế nào? - ảnh 2
Ông Trump từng dọa sẽ cách chức chủ tịch Fed Jerome Powell (trái) vào năm 2018

 

Mặt khác, các cam kết thuế và chi tiêu từ chiến dịch tranh cử của Trump có thể tiêu tốn hơn 10 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới. Trump tuyên bố sẽ sử dụng nguồn thu từ thuế quan để hỗ trợ chi trả cho các cam kết này, nhưng các chuyên gia tại Viện Peterson cho rằng thuế nhập khẩu chỉ có thể đáp ứng một phần nhỏ chi phí đó.

Những người bảo vệ ông Trump và chủ nghĩa bảo hộ thương mại cho rằng chính sách thuế quan của ông sẽ tạo ra kết quả tốt ngay lập tức. Tổ chức Liên Minh vì một Hoa Kỳ Thịnh Vượng (Coalition for a Prosperous America) ước tính rằng mức thuế quan "phổ quát" 10%, kết hợp với việc cắt giảm thuế thu nhập sẽ tăng thêm hơn 700 tỷ USD sản lượng kinh tế và tạo ra thêm 2,8 triệu việc làm cho người dân Mỹ. 

Nhiều nhà kinh tế cũng hoài nghi về khả năng chính sách thương mại của ông Trump sẽ nhanh chóng thúc đẩy việc làm trong ngành sản xuất — một trong những mục tiêu chính của ông. Việc xây dựng nhà máy cần nhiều năm và tự động hóa hiện nay đồng nghĩa với việc cần ít nhân công hơn.

Một số nghiên cứu của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ kết luận rằng các mức thuế quan trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump đã không giúp tăng việc làm trong các ngành được bảo hộ, trong khi lại làm tổn hại đến việc làm trong các ngành khác bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại.

'Nới lỏng định lượng'

Michael Faulkender, nhà kinh tế trưởng tại Viện Chính sách Nước Mỹ trên hết, đơn vị làm việc với các quan chức từ chính quyền đầu tiên của Trump, cho biết những dự báo tiêu cực này không tính đến mức tăng trưởng kinh tế mà chương trình nghị sự bãi bỏ quy định và kế hoạch thúc đẩy sản xuất năng lượng sẽ tạo ra.

Ông Trump đã hứa sẽ các biện pháp cắt giảm thuế vĩnh viễn mà ông đã thúc đẩy vào năm 2017 đối với các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và tài sản của những cá nhân giàu có. 

Ngay cả khi Đảng Cộng hòa mất đi vị thế đa số của mình tại Hạ viện, họ vẫn có khả năng đạt được một thỏa thuận với Đảng Dân chủ để giữ nguyên chính sách thuế có lợi cho nhóm người thu nhập cao này. 

Liệu chính sách đàn áp người nhập cư có gây ra sự hỗn loạn?

Mối đe dọa trục xuất hàng triệu người di cư không có giấy tờ của Tổng thống Trump là một nguồn lo ngại lớn đối với nhiều nhà kinh tế và doanh nghiệp. Việc này sẽ làm giảm nguồn lao động sẵn có, khiến các công ty gặp khó khăn trong tuyển dụng.

Trở lại Nhà Trắng, ông Trump sẽ tái định hình kinh tế Mỹ như thế nào? - ảnh 3
Ông Trump đến thăm việc xây dựng bức tường tại biên giới Mexico - Mỹ để ngăn chặn dòng người nhập cư, năm 2019 - Nguồn: Reuters

 

Theo ước tính của chuyên gia kinh tế Chris Collins, việc trục xuất những người nhập cư sau năm 2020 có thể khiến nền kinh tế Mỹ suy giảm khoảng 3% vào cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo vào năm 2028. Nhu cầu giảm từ một nhóm dân số nhỏ hơn cũng sẽ đẩy giá cả xuống.

Các ngành chịu tác động nặng nề nhất có thể bao gồm xây dựng, giải trí và khách sạn - đặc biệt là ở các tiểu bang miền Nam như Texas, Florida và California, nơi người di cư chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động.

Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi về khả năng thực thi các lời hứa về nhập cư của ông Trump ở quy mô rộng lớn. Ông đã đề cập đến việc sử dụng cơ quan thực thi di trú hoặc thậm chí là Đạo luật Kẻ thù Người nước ngoài năm 1798 - một đạo luật từng được sử dụng để biện minh cho việc giam giữ những người không phải công dân trong Thế chiến II.

Theo bà Wendy Edelberg, Giám đốc Dự án Hamilton của Viện nghiên cứu Brookings, những chính sách về thuế quan chắc chắn sẽ bị gián đoạn, khi các công ty Mỹ sẽ phải đàm phán lại hợp đồng và tái cấu trúc chuỗi cung ứng để ứng phó. Đồng thời một số lượng không nhỏ các doanh nghiệp sẽ phải đối diện với tình trạng thiếu hụt lao động nếu chính sách kiểm soát nhập cư cứng rắn đi vào thực hiện.

Theo WSJ, BNN, FT, PBS