‘Ông lớn’ Trung Quốc muốn máy bay ‘made in China’ có thể chính thức bay trên bầu trời Việt Nam vào cuối năm nay
(Thị trường tài chính) - C919 là sản phẩm chủ lực của COMAC, được thiết kế để cạnh tranh trực tiếp với Boeing 737 và Airbus A320 trong phân khúc máy bay thân hẹp với sức chứa từ 158-168 hành khách.
Trung Quốc phát triển máy bay chở khách
COMAC là một doanh nghiệp quốc doanh được thành lập vào tháng 5/2008, với mục tiêu phát triển ngành hàng không thương mại của Trung Quốc.
Tập đoàn có vốn đăng ký đạt 50 tỷ Nhân dân tệ; với mục tiêu chính là thiết kế, phát triển, sản xuất, và tiếp thị máy bay thương mại, từ đó cạnh tranh với các gã khổng lồ hàng không như Boeing và Airbus.
Sự ra đời của COMAC là một phần trong chiến lược của Trung Quốc để đạt được tự chủ công nghệ và nâng cao năng lực hàng không quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không thương mại.
COMAC đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc, qua đó thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng và các ngành công nghiệp phụ trợ trong.
COMAC hiện có 18.000 nhân viên, gồm các kỹ sư, chuyên gia và công nhân lành nghề, làm việc tại các cơ sở nghiên cứu, phát triển và sản xuất trên khắp Trung Quốc.
Tập đoàn hiện có hai dòng máy bay thương mại chính: C919 và ARJ21, cùng với một số dự án trong giai đoạn phát triển.
ARJ21 là mẫu máy bay phản lực khu vực (regional jet) đầu tiên của COMAC. Đây là loại máy bay với sức chứa từ 70-105 hành khách, được thiết kế để phục vụ các tuyến bay ngắn trong nội địa Trung Quốc.
ARJ21 thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 2008 và chính thức được đưa vào khai thác thương mại vào năm 2016. Dù ban đầu gặp nhiều thách thức về kỹ thuật và bị trì hoãn, ARJ21 đã đạt được một số thành công và được nhiều hãng hàng không Trung Quốc đưa vào đội bay.
ARJ21 không chỉ mở đầu cho khả năng tự chủ trong sản xuất máy bay thương mại của Trung Quốc mà còn cung cấp kinh nghiệm quý báu cho COMAC trong quá trình phát triển các dự án lớn hơn.
C919 là sản phẩm chủ lực của COMAC, được thiết kế để cạnh tranh trực tiếp với Boeing 737 và Airbus A320 trong phân khúc máy bay thân hẹp với sức chứa từ 158-168 hành khách.
Nó có chiều dài gần 39m và tầm bay tối đa 4.075km. Thiết kế ở phần đầu của C919 khá giống với dòng tàu bay thân hẹp A320. Hệ thống thông tin liên lạc, định vị được lắp đặt tại phần đầu máy bay Comac từ nhà cung cấp Rockwell Collins (Mỹ).
Ngoài ra, máy bay cũng có một số bộ phận khác từ các nhà sản xuất của Mỹ như bánh và phanh (Honeywell), vỏ nhôm thân máy bay (Acronic), hộp đen (GE).
C919 nhận chứng nhận bay từ Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) vào tháng 9/2022. Đây là một cột mốc quan trọng cho COMAC, cho phép hãng bắt đầu giao hàng máy bay C919 cho các hãng hàng không Trung Quốc.
Comac giao chiếc máy bay C919 đầu tiên cho China Eastern Airlines ở Thượng Hải. Chuyến bay thương mại đầu tiên của C919 cất cánh lúc 10h32 ngày 28/5/2023 từ sân bay quốc tế Hồng Kiều Thượng Hải, thành phố nơi COMAC đặt trụ sở chính. Phải mất 15 năm để C919 thực hiện chuyến bay thương mại kéo dài hai giờ từ Thượng Hải đến Bắc Kinh.
Hiện COMAC đang nỗ lực trong việc nội địa hóa các linh kiện và công nghệ để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nước ngoài. Tập đoàn cũng đang đầu tư vào các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và máy bay không người lái, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành hàng không hiện đại.
Dù cạnh tranh cao, COMAC cũng có những cơ hội lớn, đặc biệt là từ nhu cầu nội địa Trung Quốc. Theo dự báo, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường hàng không hàng đầu thế giới trong vài thập kỷ tới, và đây là một thị trường màu mỡ để COMAC phát triển. Việc Chính phủ Trung Quốc ưu tiên cho các sản phẩm sản xuất trong nước cũng là một lợi thế lớn cho COMAC.
Đẩy mạnh hợp tác tại Việt Nam
Chiều 6/11, tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, trong chương trình công tác tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Ngụy Ứng Bưu - Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn COMAC.
Được biết, COMAC đã và đang kết hợp với Hãng hàng không Vietjet, trao đổi sâu về kỹ thuật nhằm tiến tới đưa máy bay của COMAC vào khai thác tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao đề xuất hợp tác của COMAC đối với Việt Nam khi đã triển khai đưa máy bay C919 đến Việt Nam trong triển lãm vào tháng 2/2024; hoan nghênh COMAC tiếp tục khảo sát, nghiên cứu thị trường, thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Vietjet, nhất là nghiên cứu, đánh giá các tàu bay để có thể lựa chọn phù hợp, theo các hình thức linh hoạt, giúp đa dạng đội bay của Việt Nam, thực hiện các chuyến bay đem lại hiệu quả cao.
Ông Ngụy Ứng Bưu cũng kỳ vọng cuối năm nay, sản phẩm máy bay của COMAC sẽ có thể chính thức bay trên bầu trời Việt Nam, góp phần tạo thuận lợi trong đi lại cho người dân Việt Nam.