HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Lời xin lỗi của ông Biden

Vũ Bấc

(Thị trường tài chính) - Tổng thống Joe Biden đã chính thức xin lỗi về "chương trình trường nội trú" kéo dài hơn 150 năm, cưỡng ép và ngược đãi hơn 19.000 trẻ em người Mỹ bản địa, tước đoạt ngôn ngữ và văn hóa, để lại những vết thương sâu sắc trong lịch sử nước Mỹ.

Trong hơn 150 năm, từ đầu thế kỷ 19 đến cuối những năm 1960, chính quyền liên bang Mỹ đã cưỡng ép hàng nghìn trẻ em người Mỹ bản địa rời xa gia đình và gửi vào các trường nội trú trên khắp đất nước.

Những trường học này được thành lập với mục tiêu đồng hóa các em, xóa bỏ mối liên hệ bộ lạc và văn hóa dân tộc. Trẻ em bị buộc phải đổi tên, cải đạo sang Cơ đốc giáo và chịu hình phạt nếu sử dụng ngôn ngữ bản địa. Hàng loạt trẻ em đã trải qua sự lạm dụng cả về thể chất, tinh thần và tình dục trong những "trường nội trú địa ngục" này.

Theo một báo cáo từ Bộ Nội vụ công bố vào tháng 7, có gần 19.000 trẻ em đã theo học tại các trường nội trú từ năm 1819 đến 1969, dù con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Ít nhất 973 trẻ em đã tử vong trong các trường này và được chôn cất tại 74 địa điểm, trong đó 21 địa điểm không có tên.

Lời xin lỗi của ông Biden - ảnh 1
Học sinh tại Trường nội trú Tulalip, một trong những nơi "khét tiếng" trong quá trình cải đạo cưỡng bức trẻ em người bản địa Mỹ vào cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20

 

Hệ thống này được tài trợ thông qua các khoản ngân sách hàng năm của Quốc hội Mỹ và từ việc bán đất do các bộ lạc nắm giữ.

Thống kê cho thấy Chính phủ Mỹ đã chi khoảng 23 tỷ USD cho hệ thống này, điều hành 417 tổ chức tại 37 tiểu bang và vùng lãnh thổ. Để ép buộc phụ huynh đưa con đến trường, Quốc hội Mỹ vào thời điểm đó đã trao quyền cho Bộ Nội vụ cắt giảm lương thực của những gia đình phản đối.

Ron Singer, một người thuộc tộc Navajo hiện đã 67 tuổi, mô tả 3 năm học tại trường nội trú là "địa ngục trần gian". Ông bị đưa đến một trường nội trú do chính quyền liên bang điều hành tại Tuba City, Arizona, khi mới 7 tuổi, cách nhà hơn 40 dặm. Ông Singer nhớ lại: “Giống như bị giam trong nhà tù vậy,” với 40 cậu bé bị nhốt trong ký túc xá và phải diễu hành như những người lính. Những đứa trẻ không tuân theo việc cải đạo và sinh hoạt như người da trắng thường bị trừng phạt tàn bạo với đòn roi và những hình phạt vô nhân tính, khiến ông và nhiều người khác còn mang theo nỗi đau cho đến tận bây giờ.

Dù hệ thống trường nội trú đã đóng cửa từ lâu, những ký ức đau thương vẫn đeo bám những người sống sót như ông Singer. Các nhân chứng kể rằng các giám thị trường nội trú đã đánh đập và làm nhục thường xuyên như cơm bữa mỗi khi giữ những nếp sinh hoạt của người bản địa. 

Cha mẹ và ông bà của bà Denise Lajimodiere cũng là nạn nhân của hệ thống này. Tại ngôi trường nội trú của cha bà ở bang Oregon, ông bị các giáo viên ép đến nhà thờ bằng cách bỏ đói nếu không tuân lệnh. Những giáo viên tại đây đã nhét xà phòng vào miệng học sinh người thổ dân mỗi khi không nói tiếng Anh. Ông cũng phải chịu đựng những hình phạt như "the gantlet," trong đó các bạn cùng lớp xếp hàng và thay phiên nhau đánh ông bằng thắt lưng.

Lời xin lỗi của ông Biden - ảnh 2

Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra lời xin lỗi chính thức từ Chính phủ Mỹ đối với cộng đồng người Mỹ bản địa ngày 25/10/2024

Tại sự kiện ở Cộng đồng Người da đỏ Gila River, Arizona, Tổng thống Joe Biden đã chính thức xin lỗi vì vai trò của chính phủ trong hệ thống trường nội trú. Ông gọi đây là “vết nhơ trong lịch sử Hoa Kỳ” và “tội lỗi đối với tâm hồn chúng ta”. Ông thừa nhận không có lời bào chữa nào cho việc phải mất 150 năm để Chính phủ đưa ra lời xin lỗi với cộng đồng những người bản địa.

“Giờ đây, chúng ta mới tiến được một bước để nhìn thấy ánh sáng,” ông nói. Từ năm 1869 đến thập niên 1960, hơn 18.000 trẻ em bản địa đã bị tách khỏi gia đình và đưa vào hệ thống trường nội trú. Nhiều em trong số đó chỉ mới 4 tuổi.

Tổng thống Mỹ Biden nhấn mạnh rằng câu chuyện đen tối này cần được công khai: “Với tư cách là tổng thống, tôi tin rằng điều quan trọng là chúng ta phải ghi nhận rằng đã có nhiều thế hệ trẻ em bản địa bị bắt cóc, đưa đến những nơi xa lạ và buộc phải nói một ngôn ngữ không quen thuộc”.

Lời xin lỗi của ông Biden - ảnh 3
Cộng đồng người Mỹ bản địa có mặt tại buổi phát biểu của Tổng thống Biden

 

Lời xin lỗi của ông Biden nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng người Mỹ bản địa, nhiều người gọi đó là khoảnh khắc “mạnh mẽ” và “sâu sắc.” Các nhà lãnh đạo người bản địa cũng cho rằng đây là một bước quan trọng hướng tới sự chữa lành. Ramona Charette Klein, một người sống sót từ hệ thống trường nội trú, nói rằng ông Biden “xứng đáng được ghi nhận” vì đã mang vấn đề này ra ánh sáng.

Bộ trưởng Nội vụ Deb Haaland, người Mỹ bản địa đầu tiên nhậm chức trong Nội các Mỹ, đã dẫn đầu các cuộc điều tra soi ánh sáng vào quá khứ đen tối của những chính sách sai lầm này, “Bất chấp mọi chuyện đã xảy ra, chúng tôi [những người Mỹ bản địa] vẫn ở đây,” bà nhấn mạnh.

Các nước khác như Úc, New Zealand và Canada trong những năm gần đây cũng đã điều tra và lật lại hành động ngược đãi cộng đồng người bản địa trong quá khứ.

Theo New York Times