Công ty mẹ của xà phòng Dove, hạt nêm Knorr... bị tẩy chay ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á
(Thị trường tài chính) - Unilever - công ty chủ quản của hàng loạt nhãn hàng tiêu dùng đình đám như OMO, Surf, Lux, Dove, Knorr, Comfort, Vaseline, Hazeline, Ponds, P/S, Close Up, Rexona, Sunsilk, Sunlight... đang vướng vào rắc rối lớn ở một nước Đông Nam Á khác.
Giám đốc tài chính (CFO) của Unilever cho biết hôm thứ Năm (24/10) rằng công ty sẽ thực hiện những thay đổi “mạnh mẽ” tại Indonesia khi người tiêu dùng tại “xứ sở vạn đảo” đang tẩy chay các thương hiệu đa quốc gia để phản đối cuộc chiến ở Dải Gaza và làm trầm trọng thêm các vấn đề phân phối hiện tại của doanh nghiệp này.
Unilever là “gã khổng lồ” trong lĩnh vực hàng tiêu dùng. Công ty này sở hữu hàng loạt thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam và Đông Nam Á như xà phòng tắm Dove, hạt nêm Knorr, xà phòng giặt OMO, các loại kem đánh răng PS và Close Up, lăn khử mùi Rexona, dầu gội đầu Sunsilk hay nước rửa bát Sunlight…
Hãng thông tấn Reuters cho biết, Unilever lần đầu tiên tuyên bố vào tháng 2 năm nay rằng tăng trưởng doanh số bán hàng trong quý IV ở Đông Nam Á đã bị ảnh hưởng bởi việc người mua sắm ở Indonesia tẩy chay các thương hiệu của công ty đa quốc gia này “do tình hình địa chính trị ở Trung Đông”.
Hôm 24/10, phát biểu với các nhà phân tích sau khi công bố doanh số bán hàng quý này tốt hơn một chút so với dự kiến, Giám đốc tài chính Unilever Fernando Fernandez cho biết công ty sẽ hướng đến mục tiêu làm cho các thương hiệu của mình “hiện đại hơn” do “sự thay đổi đáng kể của xã hội” đang diễn ra. Ông hy vọng tình hình sẽ cải thiện trong 6 tháng tới.
Chuyên gia phân tích tài chính Warren Ackerman của Barclays lưu ý trong cuộc gọi gần đây rằng hoạt động kinh doanh của tập đoàn Unilever tại Indonesia đã hoạt động kém hiệu quả trong gần một thập kỷ qua.
“Tại sao các nhà đầu tư nên tin rằng sự thay đổi lần này sẽ không giống như những “cơn bão” mà chúng ta từng chứng kiến trong quá khứ?", ông Ackerman đặt câu hỏi.
Chi nhánh tại Indonesia của Unilever vừa báo cáo doanh thu của công ty này giảm 18% trong quý III/2024 do sản lượng giảm.
Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của công ty Hein Schumacher thừa nhận “những vấn đề tồn tại lâu dài” ở Indonesia - quốc gia đông dân thứ 3 thế giới và thứ nhất Đông Nam Á (hơn 283 triệu dân, tính đến ngày 24/10/2024, theo Worldometer). Ông cho biết Unilever đã “thực hiện một sự can thiệp đáng kể vào thị trường Indonesia trong quý III và quý IV nhưng sẽ không mang lại kết quả ngay trong quý tiếp theo”.
Giám đốc tài chính Unilever Fernando Fernandez cho biết việc cải tổ hệ thống phân phối đang được tiến hành để ổn định giá cả và những nỗ lực của tập đoàn đã mang lại một số kết quả.
“Chúng tôi đã khắc phục được một phần tổn thất về mặt thị phần do phản ứng dữ dội của người tiêu dùng liên quan đến tình hình địa chính trị ở Trung Đông. Cụ thể, chúng tôi đã thu hồi được khoảng 1/4 tổn thất về mặt thị phần”, ông Fernandez cho biết.
Theo Reuters