Trận địa pháo cổ lớn nhất Đông Dương tọa lạc tại thành phố biển đẹp bậc nhất Việt Nam: Ấn tượng với 6 khẩu đại pháo, nặng tới 15 tấn
(Thị trường tài chính) - Hơn 100 năm tồn tại, trận địa pháo này ngày càng thu hút đông đảo du khách tìm về khám phá.
Khi nhắc đến TP. Vũng Tàu, người ta thường hình dung ngay đến hình ảnh một thiên đường du lịch bên bờ biển xanh ngắt. Nhưng ẩn mình giữa vẻ đẹp yên bình ấy là một điểm đến lịch sử đặc biệt, hứa hẹn mang đến trải nghiệm đầy thú vị cho những ai yêu thích khám phá.
Tọa lạc trên sườn Núi Lớn ở TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, trận địa pháo cổ lớn nhất Đông Dương - di tích lịch sử đặc biệt đã đứng vững qua hơn một thế kỷ đầy biến động. Đây không chỉ là một công trình quân sự đồ sộ mà còn là minh chứng sống động cho những năm tháng đấu tranh khốc liệt của nhân dân ta.
Đến đây, du khách không chỉ ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ của biển cả mà còn được trở về quá khứ, khám phá những câu chuyện lịch sử ẩn mình trong từng khẩu pháo nặng nề và từng hầm đạn kiên cố.
Theo thông tin trên Báo điện tử VTV, trận địa này nằm ở độ cao hơn 100m so với mực nước biển, được xây từ cuối thế kỷ thứ 19 và hoàn thành năm 1905. Khi ấy, Pháp nhận thấy khu vực vịnh Gành Rái, cửa ngõ vào Sài Gòn, mang ý nghĩa chiến lược quan trọng nên đã thiết lập trận địa này để bảo vệ. Quá trình xây dựng hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, huy động phần lớn sức lao động của tù nhân và dân phu Việt Nam
Trận địa pháo núi Lớn được xây từ cuối thế kỷ thứ 19 và hoàn thành năm 1905 (Ảnh: Internet)
Mỗi khẩu pháo cách nhau 17,5m. Trên mỗi khẩu đều có thông tin về nhà sản xuất và thông số kỹ thuật rõ ràng, với cỡ nòng lên đến 240mm. Các khẩu pháo được sản xuất trong giai đoạn 1872 - 1876, mỗi khẩu có trọng lượng hơn 15 tấn. Mặc dù đã trải qua nhiều biến cố thời gian, các khẩu đại pháo này vẫn giữ được hình dáng nguyên bản.
Mỗi khẩu có trọng lượng hơn 15 tấn (Ảnh: Internet)
Phía sau từng bệ pháo là hệ thống hầm chứa đạn và hầm pháo thủ, liên kết với nhau qua các giao thông hào. Cấu tạo của một khẩu pháo bao gồm nòng pháo, giá đỡ và mâm xoay. Giá đỡ giúp điều chỉnh tầm bắn, trong khi mâm xoay cho phép pháo xoay nhiều hướng, đảm bảo sự chắc chắn khi gắn chặt vào nền xi măng.
Các khẩu pháo được sản xuất từ năm 1872-1876 (Ảnh: Internet)
Cách trận địa pháo cổ khoảng 200m là hầm thủy lôi, được xây dựng vào năm 1941 nhằm bảo vệ Vịnh Gành Rái. Hầm thủy lôi được thiết kế theo kiểu vòm, với mái được gia cố bằng đá và xi măng vững chắc. Hai cửa hầm, vừa cao vừa rộng, nằm cách nhau 85m, dẫn vào một không gian thông suốt hình chữ U có chiều cao 27m. Bên trong, mỗi hầm có diện tích rộng 100m2, đủ để lưu trữ nhiều vũ khí.
Hầm thủy lôi được thiết kế theo kiểu vòm, với mái được gia cố bằng đá và xi măng vững chắc (Ảnh: Internet)
Vào năm 1992, di tích trận địa pháo cổ và hầm thủy lôi Núi Lớn, được Bộ Văn hóa - Thể thao công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Khám phá trận địa pháo cổ và hầm thủy lôi tại Núi Lớn không chỉ mang lại cho du khách trải nghiệm về thiên nhiên hùng vĩ mà còn giúp hiểu thêm về những trang sử hào hùng của dân tộc ta.