Tên lửa cao và mạnh nhất thế giới con người từng chế tạo: Kích thước bằng nửa tòa tháp Eiffel, khả năng tạo lực đẩy lên đến gần 8.000 tấn khi phóng
(Thị trường tài chính) - Đây là tên lửa cao nhất (122m) và mạnh nhất từng được con người chế tạo, có khả năng tạo ra lực đẩy gần 8.000 tấn khi phóng.
Theo thông tin từ Space, vào lúc 8h25 ngày 13/10 (khoảng 20h25 cùng ngày theo giờ Hà Nội), SpaceX đã tiến hành thử nghiệm lần thứ 5 tên lửa Starship. Lần này, SpaceX đã thành công trong việc thu hồi tầng đẩy Super Heavy tại bệ phóng, đạt độ chính xác gần như tuyệt đối trong mọi giai đoạn của hành trình.
Đây là lần đầu tiên SpaceX thử nghiệm sứ mệnh táo bạo này. Nhiều chuyên gia nhận định đây là một bước tiến quan trọng trong mục tiêu phát triển các tên lửa có khả năng tái sử dụng hoàn toàn.
Starship là tên lửa cao nhất thế giới (122m) và mạnh nhất từng được chế tạo, với khả năng tạo lực đẩy lên đến gần 8.000 tấn khi phóng.
Để dễ hình dung, Starship có kích thước khổng lồ, tương đương một nửa tháp Eiffel và nặng khoảng 3.000 tấn. Tên lửa này có công suất chở hàng dự kiến là 150 tấn lên quỹ đạo thấp của Trái Đất và có thể tăng lên 250 tấn nếu tầng đẩy không quay lại Trái Đất.
Với sức chở ấn tượng như vậy, chỉ cần hai tên lửa Starship có thể đưa toàn bộ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), nặng 400 tấn, lên quỹ đạo.
Đường kính của Starship là 9m, điều này cho phép nó phóng các vệ tinh lớn hơn với chi phí tương đối thấp.
Để so sánh, kính viễn vọng James Webb, khi được phóng lên quỹ đạo, phải được gấp lại và quá trình triển khai đòi hỏi độ chính xác cực cao, dẫn tới chi phí sản xuất lên tới 10 tỷ USD. Trong khi đó, với thể tích khổng lồ của Starship, vấn đề này được giải quyết một cách dễ dàng. Ngoài ra, các module của trạm vũ trụ cũng có thể được triển khai thuận tiện hơn.
Starship là một hệ thống phóng bao gồm hai thành phần chính: tầng đẩy Super Heavy và tàu vũ trụ Starship nằm phía trên. Tầng đẩy đảm nhận việc đưa tàu Starship lên quỹ đạo, sau đó tàu vũ trụ sẽ tiếp tục bay bằng động cơ riêng, còn tầng đẩy quay trở lại Trái Đất. Điều đặc biệt là cả hai phần này đều có thể tái sử dụng, khác biệt so với tên lửa Falcon 9 của SpaceX, chỉ có tầng đẩy đầu tiên và mũi tên lửa được tái sử dụng.
Theo Elon Musk, nhà sáng lập và CEO của SpaceX, hệ thống tái sử dụng hoàn toàn này sẽ giúp giảm chi phí phóng xuống còn khoảng 10 triệu USD. Hiện tại, chi phí chở một kg hàng hóa lên quỹ đạo bằng tên lửa Falcon 9 là 2.300 USD, trong khi vào năm 1981, con số này là 147.000 USD. Với Starship, mức chi phí dự kiến giảm xuống còn 100 USD/kg, một con số ấn tượng mà Musk tin rằng sẽ giúp biến Starship trở thành “băng chuyền” vận chuyển hàng hóa lên quỹ đạo thấp của Trái Đất.
Từ năm 2012, Musk ước tính chương trình Starship sẽ có chi phí phát triển rơi vào khoảng 2-10 tỷ USD. Năm 2024, SpaceX lên kế hoạch rót thêm 2 tỷ USD vào hệ thống tên lửa để đưa Starship lên quỹ đạo lần đầu tiên.
Starship được thiết kế để vận chuyển con người và hàng hóa lên Mặt Trăng, Sao Hỏa và xa hơn nữa. Đây là một bước tiến quan trọng giúp hiện thực hóa ước mơ của Musk về việc đưa loài người định cư trên Sao Hỏa.
Sao Hỏa là mục tiêu chiến lược dài hạn của SpaceX. Musk tin rằng chi phí để đưa một người lên Sao Hỏa có thể vào khoảng 100.000 USD và Starship sẽ là phương tiện chủ chốt trong hành trình này. Tàu vũ trụ này có kích thước lớn, đủ để chứa đựng thực phẩm, nước uống và oxy cho hành trình dài ngày, đồng thời cung cấp không gian rộng rãi hơn cả trạm ISS. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ cách mà SpaceX sẽ bảo vệ các hành khách khỏi bức xạ vũ trụ trong suốt hành trình.
Theo kế hoạch, Starship sẽ tham gia sứ mệnh đầu tiên vào năm 2024, đảm nhận vai trò đưa phi hành gia trở lại Mặt Trăng trong chương trình Artemis của NASA. Tuy nhiên, hiện sứ mệnh này đang bị hoãn lại.
Ngoài ra, Starship còn có khả năng thực hiện các nhiệm vụ khác như chở hàng hóa lên quỹ đạo, du lịch không gian, thực hiện các chuyến bay cận quỹ đạo trên Trái Đất…