‘Lá phổi xanh’ hàng trăm tuổi giữa lòng khu dân cư Nghệ An: Được xem như ‘báu vật’ ai cũng có ý thức bảo vệ, người chặt 1 cây phải trồng 10 cây thay thế
(Thị trường tài chính) - Khu rừng lim cổ thụ Tháp Lĩnh là một tài sản thiên nhiên quý giá và là niềm tự hào của người dân xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Rừng cổ thụ giữa lòng làng quê ở Nghệ An
Nằm giữa những cánh đồng lúa mênh mông là ngọn núi Tháp Lĩnh xanh mướt quanh năm. Ít ai ngờ nơi đây lại có một khu rừng lim nguyên sinh, với bề dày lịch sử hơn một thế kỷ. Nhờ cảnh quan hoang sơ và vẻ đẹp độc đáo, khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt từ đời này sang đời khác.
Giữa cánh đồng lúa bao la, nơi đây lại chính là khu rừng lim nguyên sinh cổ thụ đã tồn tại trên một trăm năm. Ảnh: Báo Gia đình & Xã hội
Cụ Mai Huy Định, 76 tuổi, một người cao tuổi tại làng Đông Thượng, đã chia sẻ với báo Dân Việt rằng theo tài liệu cổ của làng, tổ tiên của cụ khi đến lập nghiệp đã nhận thấy vùng đất này có long mạch tốt, những cây lim nhỏ có thân thẳng, cùng với núi Tháp Lĩnh vững chãi như một điềm lành. Chính vì vậy, tổ tiên đã quyết định chọn nơi đây làm nơi an cư lạc nghiệp.
Ban đầu, chỉ có vài dòng họ định cư, nhưng xã Hậu Thành ngày nay đã phát triển với 32 dòng họ và hơn 15.000 cư dân. Dưới chân núi, các công trình tâm linh như chùa Tháp, đền thờ Song Đồng Ngọc Nữ, Đình Mõ và Đài tưởng niệm tạo nên bức tranh văn hóa phong phú của địa phương.
Nằm giữa những cánh đồng lúa mênh mông là ngọn núi Tháp Lĩnh xanh mướt quanh năm. Ảnh: Báo Dân Việt
Khu rừng lim xanh Tháp Lĩnh rộng khoảng 18 hecta, thuộc xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, là niềm tự hào lớn của người dân nơi đây. Ngoài lim, rừng còn có nhiều loại cây quý như trai, gụ, trâm, trắc và dạ hương.
Mặc dù nằm ngay giữa khu dân cư và được bao quanh bởi các tuyến đường nhựa, bê tông, nhưng trong nhiều năm qua, không hề có trường hợp khai thác trái phép nào xảy ra. Đối với người dân, khu rừng này là “di sản tự nhiên” của vùng, là “lá phổi xanh” mà họ tự hào. Sự bảo vệ tận tâm của cộng đồng đã giúp rừng phát triển, giữ nguyên vẻ hoang sơ.
Đối với cư dân ở xã Hậu Thành, rừng lim Tháp Lĩnh được xem như một di sản tự nhiên vô giá. Ảnh: Vietnam.vn
Qua nhiều biến động lịch sử, khu rừng vẫn đứng vững như minh chứngcho tình yêu và ý thức bảo vệ thiên nhiên của người dân địa phương. Ban đầu do xã Hậu Thành quản lý, từ năm 2017, khu rừng được chuyển giao cho cơ quan lâm nghiệp huyện Yên Thành, với 13,7 hecta trong gần 20 hecta được phân loại là rừng đặc dụng, nghiêm cấm khai thác nhằm bảo tồn đa dạng sinh học.
Hương ước “chặn 1 bù 10” bảo vệ khu rừng cổ thụ
Người dân xã Hậu Thành đã đặt ra hương ước: Ai chặt một cây tại Tháp Lĩnh sẽ bị phạt và phải trồng lại 10 cây thay thế. Ông Nguyễn Hồng Chính, Chủ tịch UBND xã Hậu Thành, nhấn mạnh rằng khu rừng lim là “lá phổi xanh” và niềm tự hào của cộng đồng, được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Hàng năm, người dân tổ chức dọn dẹp thực bì để phòng cháy mùa khô, đồng thời thu thập hạt giống lim để nhân giống, bảo tồn nguồn gen quý.
Khu rừng lim xanh từ năm 2017, đã được chuyển giao cho cơ quan lâm nghiệp của huyện quản lý. Ảnh: Báo Nghệ An
Theo thống kê của ngành lâm nghiệp huyện Yên Thành, đến năm 2022, đã có hàng ngàn cây lim được ươm mầm thành công, góp phần phục hồi và lấp đầy những khoảng trống trên núi Tháp Lĩnh. Nhiều cây lim cổ thụ hiện có đường kính lớn đến mức cần 2-3 người ôm, một số cây tuổi đời lên đến hơn 300 năm.
Điểm đến sinh thái lý tưởng giữa rừng cổ thụ
Tại lối vào khu rừng lim cổ thụ Tháp Lĩnh, có một ngôi đền cổ kính - Đền Cả, thờ thần khai khẩn Nguyễn Đức Chỉ từ thời nhà Lê. Với sắc phong của vua, ngài được tôn vinh là "Công đức huyền trứ Dực Bảo Trung - Hưng Trung - Đẳng Thần". Đền Cả, cùng với đình Mõ ở làng Đức Hậu, là điểm đến tâm linh quen thuộc của người dân vào các dịp lễ Tết.
Tại cổng vào của khu rừng cổ thụ Tháp Lĩnh còn có một ngôi đền cổ kính được xây dựng từ hàng trăm năm về trước. Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam
Đền Cả và khu rừng lim cổ thụ tạo thành điểm du lịch lý tưởng cho những ai muốn khám phá nét đẹp tự nhiên và văn hóa Yên Thành. Đến Hậu Thành, du khách sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa tâm linh, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của rừng già.
Xã Hậu Thành cũng đang nỗ lực đưa Đền Cả vào kế hoạch phát triển du lịch sinh thái, với hy vọng sẽ khôi phục lại vẻ uy nghiêm của ngôi đền giữa khu rừng lim quý giá. Điều này không chỉ góp phần bảo tồn khu rừng nguyên sinh mà còn giúp tôn vinh giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời của vùng Yên Thành, đồng thời tạo động lực cho sự phát triển kinh tế bền vững của địa phương.
Tại Việt Nam, lim xanh vào loại gỗ quý, thuộc nhóm II. Ảnh: Báo Nghệ An
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Chính, việc phục dựng Đền Cả gặp khó khăn vì đền nằm trong khu vực rừng đặc dụng. Để thực hiện điều này, cần điều chỉnh quy hoạch một khuôn viên phù hợp mà vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến rừng lim.