HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Đại biểu Quốc hội: Muốn con cái đọc sách nhưng phần lớn cha mẹ không đọc

Linh Chi

(Thị trường tài chính) -Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, điểm yếu của người Việt có thể khắc phục nếu tạo được thói quen đọc sách.

Cần phát triển văn hóa đọc

Theo Thanh Niên, sáng 1/11, Quốc hội thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Một trong những mục tiêu được quan tâm là văn hóa đọc. Đọc sách là hành vi tốt, luôn được khuyến khích. Đặc biệt, việc tiếp nhận thông tin thông qua đọc sách khác nhiều so với việc cập nhật kiến thức trên không gian mạng. Nếu các thông tin trên mạng không cung cấp đầy đủ, dễ nảy sinh cách nhìn phiến diện, chủ quan dẫn đến sự tranh cãi, đả kích người khác và gây ra tiêu cực, thì đọc sách giúp thấu hiểu chính mình, vị tha và biết cảm thông với người khác.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, điểm yếu của người Việt có thể khắc phục nếu tạo được thói quen đọc sách. Khi đọc sách, người ta nhận ra giá trị của quy tắc ứng xử trong cuộc sống, những chuẩn mực đạo đức, có cái nhìn tích cực và biết phê phán thói hư, tật xấu.

Hiện nay, nhiều cha mẹ muốn con đọc sách thay vì sử dụng thiết bị điện tử, nhưng phần lớn cha mẹ lại không đọc sách. Vì thế, đại biểu đoàn Bình Định đề nghị ngành giáo dục nên có quy định giao cho trẻ tiểu học về nhà đọc sách và tóm tắt nội dung. Ngoài ra, ông đề xuất bổ sung các không gian đọc ở khu vực công cộng, khu vui chơi, khu du lịch... để rèn thói quen đọc sách.

Đại biểu Quốc hội: Muốn con cái đọc sách nhưng phần lớn cha mẹ không đọc - ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, đoàn Bình Định. Ảnh: Gia Hân/Thanh niên

Giảm áp lực cho địa phương khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa

Bàn thêm về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, ở giai đoạn từ 2025 - 2030, nguồn vốn huy động dự kiến là 122.250 tỷ đồng. Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng đây là con số không nhiều. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều tỉnh phải nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương, nên cần phải xem xét cụ thể, kỹ lưỡng để phù hợp với từng địa phương nhằm giảm áp lực.

Từ đó, ông đề nghị có thể tỷ lệ ngân sách Trung ương cao hơn ngân sách địa phương để số tiền ngân sách đối ứng này được sử dụng vào các chương trình mục tiêu khác, không chỉ riêng văn hóa.

Về tỷ lệ ngân sách từ các nguồn vốn khác là hơn 12%, tương đương hơn 15.000 tỷ đồng, đại biểu đoàn Đồng Tháp cho rằng nguồn vốn này cũng khó khăn chứ không phải đơn giản.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải trình

Trước các ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng đã có giải trình. Theo đó, nguồn vốn khác như trong tờ trình chỉ là tạm tính. Kết luận của Bộ Chính trị nói rất rõ là huy động các nguồn lực xã hội cùng với nguồn lực Nhà nước để đầu tư cho phát triển văn hóa.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL cũng chia sẻ rằng gần đây có tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư theo Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép TP.HCM thí điểm để thực hiện vấn đề hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và thể thao. Có 300 doanh nghiệp đến để làm việc và đăng ký nguồn vốn. Nếu được chấp thuận là 2 tỷ USD, đây là con số rất lớn.

Về nguồn vốn ngân sách địa phương, theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL, khi xây dựng chương trình đã tính toán kỹ, không phải địa phương nào cũng đạt 24%. Đây chỉ là con số tính chung cho toàn quốc. Khi phân bổ, Chính phủ sẽ tính toán để đưa ra con số hợp lý.