HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: 'Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc'

Linh Chi

(Thị trường tài chính) -Chiều 4/11, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có những giải trình trước Quốc hội về một số vấn đề liên quan đến các chính sách xã hội.

Theo VOV, chiều 4/11, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có những giải trình trước Quốc hội về một số vấn đề liên quan đến các chính sách xã hội. Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh rằng việc hệ thống chính trị xã hội vào cuộc và chính sách xã hội đã cơ bản được triển khai đúng, đủ và kịp thời đã mang đến những chuyển biến lớn trong nhận thức và hành động.

Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc

Một trong những điều đáng chú ý chính là Việt Nam tăng 11 bậc về chỉ số hạnh phúc. Mặc dù thời gian qua Việt Nam liên tiếp đón nhận tin buồn khi thiên tai, lũ lụt, sạt lở... gây thiệt hại lớn về người và của nhưng đây là lần đầu tiên Việt Nam đạt chỉ tiêu về năng suất lao động 5,56% so với yêu cầu đề ra. Những kết quả này là nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng, đoàn kết toàn dân.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: 'Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc' - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Quốc hội

Nói thêm về các chính sách xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, chính sách về người có công đang được thực hiện tốt nhất hiện nay. Bên cạnh đó, các chính sách giảm nghèo bền vững dành cho đối tượng yếu thế theo hướng đảm bảo an sinh tối thiểu và nâng dần các mức trợ giúp xã hội cũng mang lại hiệu quả lớn. Tỷ lệ giảm nghèo của Việt Nam đạt chuẩn 1% và hiện nay chỉ còn 1,93%.

Cuối tháng 10/2024, Việt Nam là quốc gia châu Á duy nhất được các nước G7 mời để thực hiện báo cáo điển hình về thực hiện chính sách xã hội và phát huy vai trò người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội hiện nay.

Một số vấn đề khác

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội cuối năm 2023, Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng và triển khai Đề án hỗ trợ người có công khó khăn về nhà ở. Theo đó, hiện nay, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo chỉ đạo đồng bộ cả 3 chính sách: Chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công; Chính sách triển khai hỗ trợ nhà ở người nghèo theo 3 chương trình mục tiêu; Chính sách hỗ trợ những người không thuộc 2 đối tượng trên đang ở diện khó khăn về nhà ở với 153.000 đối tượng.

Riêng về chính sách hỗ trợ nhà cho người có công, Nhà nước phải có trách nhiệm đảm bảo và dùng ngân sách Nhà nước. Khi được Chính phủ giao chủ trì đề án này, trong tháng 10/2024, Bộ Xây dựng đã bắt đầu xây dựng đề án theo quy định. Đề án sẽ hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2024.

Các chính sách khác

Cũng tại buổi giải trình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ về một số vấn đề khác như đào tạo nhân lực chất lượng cao, thất nghiệp...

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: 'Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc' - ảnh 2
Về vấn đề thất nghiệp, thiếu việc làm trong thanh niên, mặc dù vẫn có xu hướng gia tăng nhanh nhưng tại Việt Nam vẫn ở ngưỡng cho phép. Ảnh: Internet

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn liền với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo là điều cần thiết. Việt Nam đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 phải nằm trong Top 3 các nước dẫn đầu ASEAN về chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu.

Trong đó, Bộ tập trung vào 2 đề án lớn: Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghệ bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và Đề án phát triển nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao.

Trong đào tạo đại học, chú trọng nghiên cứu khoa học và lấy tự chủ đại học là khâu đột phá.

Trong giáo dục nghề nghiệp, Bộ sẽ tập trung đổi mới theo hướng mở linh hoạt, hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và Nhà nước, trong đó chú trọng kết nối doanh nghiệp.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, từ năm 2025, Việt Nam sẽ phải quan tâm xây dựng chính sách khung, chính sách quốc gia về phòng, chống già hóa dân số; điều chỉnh tỷ suất sinh thay thế.

Về vấn đề thất nghiệp, thiếu việc làm trong thanh niên, mặc dù vẫn có xu hướng gia tăng nhanh nhưng tại Việt Nam vẫn ở ngưỡng cho phép, chiếm 7,92%. Tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp trong thanh niên là do nhiều yếu tố tác động. Trong đó có thể kể đến như kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, tác động của các yếu tố bất ổn khiến sản xuất, kinh doanh khó khăn; nhà tuyển dụng tiết kiệm chi phí, ưu tiên nhân lực có kinh nghiệm; quá trình chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo...

Giải pháp Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đưa ra để giải quyết tình trạng này là hoàn thiện chính sách pháp luật lao động việc làm, tập trung đào tạo phát triển kỹ năng cho thanh niên theo hướng linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, cần có các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là doanh nghiệp do thanh niên khởi điều hành, khởi nghiệp, thúc đẩy sáng tạo, tạo cơ hội việc làm cho thanh niên. Các chính sách cho thanh niên khởi nghiệp, hỗ trợ tài chính, đào tạo kỹ năng quản lý cũng cần được chú trọng. Đồng thời, chính sách ưu đãi thuế suất, lãi suất để tạo điều kiện cho thanh niên, nhất là trong đào tạo nghề nghiệp gắn với cung cầu lao động.

* Tổng hợp