Vàng trong nước đi ngang, nhiều ngân hàng trung ương tăng nhu cầu dự trữ
(Thị trường tài chính) - Giá vàng miếng trong nước sáng nay (19/6) tiếp tục duy trì ở mức ổn định khi bán ra với giá 76,98 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với sáng qua. Trên thế giới, nhiều ngân hàng Trung ương đang có kế hoạch tăng vàng miếng trong 12 tháng sắp tới.
Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC ở mức 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), mức giá này giữ nguyên so với cùng thời điểm sáng qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI tại Hà Nội và TP HCM cũng niêm yết giá vàng SJC ở mức tương tự là 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không thay đổi so với trước đó.
Tại Bảo Tín Minh Châu, doanh nghiệp này niêm yết giá vàng miếng ở mức 75,5 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chênh lệch giữa 2 chiều mua bán hiện chỉ còn 1,48 triệu đồng/lượng.
Trong ngày, 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV cũng duy trì giá bán vàng miếng ở mức 76,98 triệu đồng/lượng.
3 ngân hàng Vietcombank, Agribank và BIDV đã triển khai bán vàng miếng SJC qua kênh trực tuyến. Điều này giúp hạn chế phần nào cảnh tượng xếp hàng trực tiếp tại các địa điểm giao dịch, tuy nhiên, do số lượng vàng cung cấp ở mỗi phiên giao dịch còn hạn chế, nên người mua vẫn gặp khó khăn trong việc đăng ký mua vàng trực tiếp.
Trên thế giới, nhu cầu vàng từ các ngân hàng trung ương đã tăng cao trong hai năm qua khi một số quốc gia đa dạng hóa dự trữ ngoại hối. Không ít ngân hàng trung ương cho biết sẽ dự kiến tăng dự trữ vàng trong vòng 12 tháng tới.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhiều ngân hàng trung ương đang có kế hoạch bổ sung vàng vào dự trữ ngoại hối trong vòng 12 tháng tới do sự bất ổn chính trị và kinh tế vĩ mô đang diễn ra ngay cả khi giá vàng tăng cao.
Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 2 đến tháng 4 với sự tham gia của 70 ngân hàng trung ương cho thấy 29% ngân hàng trung ương dự kiến dự trữ vàng của họ sẽ tăng trong 12 tháng tới. Đây là mức cao nhất kể từ khi WGC bắt đầu cuộc khảo sát vào năm 2018 và so sánh với 24% vào năm 2023.
Báo cáo của WGC cho biết, “Việc mua theo kế hoạch chủ yếu được thúc đẩy bởi mong muốn tái cân bằng đến các chiến lược ưa thích hơn về nắm giữ vàng, sản xuất vàng trong nước và những lo ngại về thị trường tài chính bao gồm rủi ro khủng hoảng cao hơn và lạm phát gia tăng”.
WGC cho biết, 81% ngân hàng trung ương tham gia khảo sát dự kiến dự trữ vàng của ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ tăng trong 12 tháng tới so với 71% một năm trước.
Theo cuộc khảo sát, lý do hàng đầu khiến ngân hàng trung ương muốn tăng nắm giữ vàng là vì xem kim loại quí này là “kho dự trữ giá trị, giúp phòng ngừa lạm phát dài hạn”. Các lý do tiếp theo là “hiệu suất vượt trội của vàng trong thời kỳ khủng hoảng”, “vàng là công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư hiệu quả” và “vàng không có rủi ro vỡ nợ”.