An ninh năng lượng qua góc nhìn người trong cuộc

Phan Nhân
Chia sẻ

(Thị trường tài chính) - Gần đây, có rất nhiều bài viết trên MXH, các tờ báo về tình hình an ninh năng lượng điện của Việt Nam. Chúng ta sẽ cùng gặp gỡ và trò chuyện với ông Lâm Sơn Tùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Alphanam E&C để tìm hiểu thêm về vấn đề này.

1.TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG ĐIỆN

Là kỹ sư chính quy, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhiều năm gắn bó với ngành điện, ông có thể chia sẻ về tổng quan ngành điện Việt Nam?

PTGĐ Lâm Sơn Tùng: Tính đến đầu năm 2023, hệ thống điện của Việt Nam chúng ta đang có khoảng 360 nhà máy đang vận hành với tổng công suất hơn 80.000 MW, ngoài ta chúng ta còn nhập khẩu điện từ các nước láng giềng 572 MW (tỷ lệ 0,71%). Tỷ lệ lớn nhất là nhiệt điện than cung cấp trên 26.000 MW chiếm tỷ lệ 32%, thủy điện trên gần 18.000 MW chiếm tỷ lệ 21%, điện mặt trời trang trại khoảng : 8.900 MW, tỷ lệ 11,4%, nhiệt điện khí 7.400 MW tỷ lệ  9,17%, điện gió trên 5.000 MW tỷ lệ   6,27%.

An ninh năng lượng qua góc nhìn người trong cuộc - ảnh 1
Đóng điện ngăn tụ 110kV tại Trạm 500kV Tây Hà Nội . Ảnh Eg

Trong ngành chúng tôi gọi đó là công suất đặt, tức là công suất tối đa trên lý thuyết. Còn công suất khả dụng nghĩ là tỷ lệ tối đa mà chúng ta có thể huy động được đưa lên lưới, đây là con số quan trọng phụ thuộc rất nhiều yếu tố như thời tiết (có nắng, có gió, có nước), có bị sự cố không, bảo dưỡng nhà máy có đúng thời hạn không? Hiện nay, công suất đặt của chúng ta hơn 80.000 MW nhưng công suất khả dụng chỉ có tầm 46.000 MW.

Đúng là phải có tầm chuyên gia bao quát mới hiểu được những vấn đề đằng sau những con số. Đỉnh cao phụ tải của năm 2021 là 3.100 MW, đến năm 2022, đỉnh phụ tải cao nhất là hơn 45.528 MW ( ngày 21/6/2022)  và  theo quy luật này thì năm 2023 đỉnh phụ tải sẽ là bao nhiêu, thưa ông?

PTGĐ Lâm Sơn Tùng: Theo tôi có thể lên tới 49.000-50.000 MW, mới đầu mùa nóng ở phía bắc ngày 19/5/2023, công suất hệ thống lên cao nhất tính từ đầu năm và đạt 44.600 MW, tiêu thụ sản lượng điện là 932 triệu kWh, nhu cầu sử dụng điện sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. Công suất khả dụng của hệ thống đâu đó vào khoảng 46.000 – 48.000 MW, nếu mua/vay được thêm than hay nước sông về thì tình hình có thể tình sẽ khác.

An ninh năng lượng qua góc nhìn người trong cuộc - ảnh 2

2.NHỮNG KHÓ KHĂN NGUỒN CUNG

Điều gì khiến cho nguồn cung của ngành điện đang gặp khó khăn, thưa ông?

PTGĐ Lâm Sơn Tùng: Khi chưa có nguồn chạy nền được đầu tư mới thường xuyên, gồm điện hạt nhân, thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí hay có thể nữa là điện gió ngoài khơi thì an ninh năng lượng vẫn là vấn đề khó khăn đối với EVN. Về thủy điện, vẫn phải chờ vào mùa mưa được bắt đầu từ tháng 6 trở đi, chưa kể có mưa nhưng nước tại hồ thủy điện sau khi qua máy để làm ra điện thì còn cung cấp nước sinh hoạt và nước tưới cho hạ du.

Về năng lượng gió, chỉ có 3 tháng 12,1,2 là ổn định, các tháng 3,4,5 lặng gió nên về lý thuyết các nhà máy điện gió hiện nay có công suất điện gió khoảng 5.000 MW nhưng phát chỉ được 800- 1.000 MW thôi. Ngay cả năng lượng mặt trời cũng thế, nắng hàng ngày cũng chỉ huy động được tầm 12.000 MW, còn toàn bộ 17.000 MW từ mặt trời trang trại và mái nhà đều “tèo”. Nếu lắp pin dự trữ thì giá điện phải cỡ 3 nghìn đồng/số, không phải ai cũng dám chơi.

Nguồn khí tự nhiên trong nước khai thác từ biển lên thì tới lúc nó sẽ giảm đi, không có nguồn mới bù vào thì chỉ có cạn dần. Nhập than, khí LNG nhập phụ thuộc giá nhiên liệu thế giới. Chưa kể, điện than thì từ lúc khởi động tới lúc lên được lưới ổn định mất từ 6-8 giờ nên vận hành nó không hề đơn giản.

Về kỹ thuật, dù EVN và các nhà máy đều cố gắng nhưng sự cố là điều không tránh khỏi. Các tổ máy nhiệt điện than của Phả Lại, Vũng Áng, Nghi Sơn 2, Thái bình 2 cũng bị trục trặc…

Vai trò của Tổng công ty điện lực Việt Nam trong đầu tư nhà máy điện như thế nào?

An ninh năng lượng qua góc nhìn người trong cuộc - ảnh 3
VEngy lắp đặt, thí nghiệm hiệu chỉnh tại TBA 220kV Lưu Xá. Ảnh VE

PTGĐ Lâm Sơn Tùng: Do rất nhiều lý do, EVN thì giờ cũng chỉ chiếm hơn 50% chút nguồn điện thôi, ngoài ra các tập đoàn PVN hay TKV cũng tham gia thị trường điện. Gần đây, cơ chế đã mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tham gia thị trường điện. Từ 2019, chúng ta phát triển điện mặt trời và điện gió với công suất tới 27.000 MW từ năm 2019 – 2021. Trong 5-6 năm qua, EVN không có dự án đầu tư nào vì không thu xếp được vốn, gặp nhiều khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, không thể “mạnh tay” như tư nhân nên dự án kéo dài, chậm thu hồi vốn.

Bạn phải nhớ hiện có 84 dự án điện gió điện mặt trời với tổng sản công xuất 4.736 MW đang bị “lỡ chuyến tàu”. Các dự án này không kịp hoàn thành trước thời hạn 31/12/2020 để được hưởng giá bán điện ưu đãi của Chính phủ.

3.VÌ SAO PHẢI NHẬP ĐIỆN CỦA TRUNG QUỐC?

Tại sao chúng ta phải nhập điện của Trung Quốc?

PTGĐ Lâm Sơn Tùng: Thiếu thì phải nhập thôi. Thực ra chúng ta đã bắt đầu nhập khẩu điện từ TQ những năm 2004, để cấp điện cho 13 tỉnh miền Bắc. Giai đoạn 2004-2008, chúng ta lâm vào tình trạng thiếu điện trầm trọng, đó là giải pháp bắt buộc. Từ năm 2004-2015, ta nhập khẩu tổng cộng hơn 24 tỷ kWh, chiếm cỡ 2% sản lượng điện hàng năm, nhưng từ năm 2015 cũng đã giảm xuống còn 1,5% và giờ giữ quanh mức 1%, con số chấp nhận được.

Một thực tế các dự án điện gió, điện mặt trời của Việt Nam đều ở các tỉnh phía nam, còn nhu cầu thiếu điện, phải mua điện từ Trung Quốc và Lào lại cấp cho các tỉnh phía bắc. Nghe đến đây sẽ nhiều người đặt câu hỏi tại sao chúng ta không truyền tải điện gió, điện mặt trời từ nam ra bắc? Có lẽ người ta không hiểu rằng hiện tại đường truyền tải điện nam bắc đã hết công suất, muốn nâng công suất đường truyền tải điện lên thì thời gian tính bằng năm, chứ không tính bằng ngày.

An ninh năng lượng qua góc nhìn người trong cuộc - ảnh 4
Hệ thống điện của Việt Nam chúng ta đang có khoảng 360 nhà máy đang vận hành với tổng công suất hơn 80.000 MW. Ảnh VE

Giá mua điện từ Trung Quốc và Lào rẻ hơn giá mua điện bình quân trong nước (giá mua điện của Trung Quốc 1.281 đồng/kwh, của Lào là 1.368 đồng/kwh, trong khi giá mua bình quân trong nước năm 2020 là 1.486 đồng/kwh). Nhưng đó chỉ là những giải pháp tạm thời, bởi họ có thể bán điện cho ta khi có lợi nhuận, nhưng nếu có chuyện gì xảy ra, họ cắt điện ta sẽ bị thiệt hại kinh tế lớn bởi không thể tìm ngay lượng phụ tải bù vào.

Theo ông làm thế nào để bảo đảm an ninh năng lượng?

PTGĐ Lâm Sơn Tùng: Để tự chủ về năng lượng, không còn cách nào khác phỉa xây dựng được nhiều công trình điện từ các nguồn vốn khác nhau và đã đáp ứng được nhu cầu điện với dự phòng có lúc đã lên tới 10-15% công suất khả dụng. Cần sớm hiện thực hóa được các mục tiêu to lớn đề ra tại Quy hoạch Điện VIII vừa được thông qua.

Xin cám ơn ông về buổi trò chuyện này!