Xuân đến sớm những làng hoa Hà Nội
Thitruongtaichinh – Thời điểm này, về những làng hoa của Hà Nội, mùa Xuân đã lan tỏa ngập tràn. Khi ngàn hoa kết nụ, đơm bông, khoe sắc đúng dịp Tết cổ truyền cũng là niềm vui lớn nhất của những người trồng hoa sau nhiều tháng ngày tất bật chăm sóc, thức khuya dậy sớm.
Làng hoa nhộn nhịp vào vụ Tết
Những ngày này, làng hoa Tích Giang (huyện Phúc Thọ) nhộn nhịp không khí mùa thu hoạch vụ Tết lớn nhất năm. Những cánh đồng hoa rực rỡ sắc màu luôn đông đúc người mua, bán khiến làng quê thêm phần tấp nập. Người dân Tích Giang trồng nhiều loại hoa, phổ biến nhất vẫn là hoa chậu, hoa giỏ treo, hoa trải thảm với hàng trăm chủng loại: dạ yến thảo, kim ngân lượng, pháo, đồng tiền, ngọc thảo… và cả các loài hoa quý như lan hồ điệp, địa lan, trà, thủy tiên…
Luôn tay luôn chân trong khuôn viên 5.000m2 trồng hoa, anh Hoàng Văn Trào (xã Tích Giang) chia sẻ: “Vụ này gia đình tôi trồng 10.000 chậu treo dạ thảo đơn, dạ thảo kép, phong lữ rủ... Thời tiết thuận lợi, hoa được trồng trong nhà màng, nhà lưới, chăm sóc tỉ mỉ nên rất đẹp. Thị trường hoa Tết năm nay không biến động nhiều về giá. Đến thời điểm này, tôi đã xuất bán khoảng 70% số lượng hoa Tết, dự kiến cho thu nhập trên dưới 500 triệu đồng.”
Còn theo ông Kiều Bình Thanh, chủ nhà vườn Thanh Phương, nắm bắt xu thế thị trường năm nay, gia đình trồng nhiều giống hoa ngắn ngày, chậu nhỏ vừa túi tiền của người tiêu dùng như: phất lộc, cúc đóa, họa mi, cúc rủ, dạ yến thảo, đồng tiền... Bên cạnh đó, gia đình ông Thanh vẫn tiếp tục nhân cấy, cắt tỉa, tạo dáng các loại hoa quý như hồng thế, trà, lan… phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Trên các cánh đồng hoa của phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) đã bừng lên sắc Xuân phơi phới bởi nhiều loại hoa đơm bông. Để có hoa phục vụ nhu cầu những ngày Tết, ngay từ đầu tháng 10 âm lịch, người dân nơi đây đã bắt đầu chuẩn bị mùa hoa Tết. Đặc biệt, khi bước sang tháng Chạp, công việc chăm sóc hoa càng tất bật hơn để đảm bảo hoa phát triển đúng độ, nở đều và đẹp đúng dịp Tết cổ truyền. Hiện toàn bộ diện tích hoa đều sinh trưởng, phát triển tốt, nụ mập, bông to sẵn sàng cho thu hoạch.
Bà Nguyễn Thị Yên, ở Tổ dân phố số 2, phường Tây Tựu trồng 3 sào hoa thược dược, violet chia sẻ, vụ này hoa đẹp, bán đắt hàng nên gia đình bà có thu nhập khá. Tuy nhiên, để có ruộng hoa đúng vụ, người trồng hoa phải thức ngủ cùng hoa, theo sát diễn biến bất thường của thời tiết nếu không bị lỡ nhịp, mất mùa.
Mở rộng nhiều vùng hoa công nghệ cao gắn với du lịch
Thống kê của UBND xã Tích Giang cho thấy, toàn xã có gần 600 hộ trồng hoa, cây cảnh với tổng diện tích hơn 95ha. Số lao động tham gia làm nghề lên tới gần 1.000 người. Nghề trồng hoa, cây cảnh mang lại khoảng trên 150 tỷ đồng mỗi năm, chiếm gần 25% tổng giá trị sản xuất của xã. Trừ chi phí sản xuất, thu nhập của các hộ trồng hoa, cây cảnh hiện đạt bình quân 200 triệu đồng/hộ/năm.
Đáng chú ý, xã Tích Giang đã được Thành phố công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội”. UBND huyện Phúc Thọ đã phê duyệt Đề án “Phát triển làng nghề hoa, cây cảnh xã Tích Giang gắn với du lịch sinh thái giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Việc thực hiện đề án sẽ giúp Tích Giang mở rộng vùng sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch bền vững.
Theo lãnh đạo UBND phường Tây Tựu, cùng với việc trồng các loại hoa thông thường như: hồng, cúc, loa kèn, lay ơn…, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư vốn, trồng thêm các giống hoa mới, ứng dụng kỹ thật cao vào sản xuất, đem lại giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Tây Tựu đang trong quá trình đô thị hoa, do đó, để duy trì, phát triển nghề truyền thống trồng hoa, quận Bắc Từ Liêm và Thành phố Hà Nội đã quy hoạch Tây Tựu thành vùng trồng hoa chất lượng cao, cung cấp hoa tươi cho Thủ đô và địa phương lân cận.
Nói về định hướng phát triển, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ mở rộng diện tích trồng hoa, cây cảnh lên 8.000ha, tập trung tại các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Gia Lâm... Trong đó sẽ có các vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung ứng dụng công nghệ cao, quy mô từ 20 - 50ha/vùng. Những vùng này chủ yếu trồng hoa lan, cúc, hồng... cùng một số giống hoa nhập, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Với mục tiêu đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các địa phương rà soát quy hoạch từng vùng sản xuất nông nghiệp để lựa chọn vùng trồng hoa, cây cảnh phù hợp với lợi thế về tự nhiên. Mỗi vùng trồng hoa trọng điểm sẽ xây dựng hạ tầng đi kèm như nhà lưới, khu trưng bày, vườn phục vụ du lịch.
Sở NN&PTNT sẽ kiến nghị thành phố có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã ở vùng trồng hoa chuyên canh tiếp cận với nguồn vốn vay, thuê đất; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cũng như thiết lập thị trường; tổ chức tuyến du lịch nông nghiệp để quảng bá các vùng trồng hoa, hướng đến mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân.
Để hỗ trợ người trồng hoa, nhiều năm nay, cứ vào dịp giáp Tết Nguyên đán, ngành nông nghiệp Hà Nội và các quận, huyện trên địa bàn thành phố đều tổ chức Hội chợ hoa Xuân nhằm mở ra cơ hội giao thương, giúp bà con nông dân tiêu thụ hàng hóa, mang lại niềm vui cho cả người sản xuất và người tiêu dùng mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại