HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Việt Nam cần cơ cấu lại thị trường du lịch

Thảo Chi
Chia sẻ

(Thị trường tài chính) -Sau 1 năm Việt Nam quyết định mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch, dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế nhập cảnh, đón khách quốc tế sớm, Thủ tướng Chính phủ đánh giá, chúng ta vẫn “đi trước, về chậm” chưa đạt mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế.

Dấu hiệu phục hồi

Năm 2022, du lịch Việt Nam đạt con số gần 3,7 triệu lượt người, tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng (vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022).  Chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế.

Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam là một trong ba nước có mức tăng trưởng cao nhất. Nhưng phải thẳng thắn thừa nhận, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, điều gì khiến cho du lịch Việt Nam vẫn đang phát triển chậm hơn khu vực, nhất là Thái Lan?

Trước hết, phải nói rằng các địa phương đã tích cực chủ động triển khai các hoạt động phục hồi du lịch theo Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 của Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Điển hình phải kể đến Hà Nội tổ chức Diễn đàn du lịch MICE, TPHCM tổ chức Lễ hội Âm nhạc quốc tế, Lễ hội Áo dài với chủ đề "Tôi yêu áo dài Việt Nam", Đà Nẵng triển khai chương trình kích cầu du lịch với thông điệp "Tận hưởng Đà Nẵng", Hội nghị xúc tiến du lịch Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh năm 2023.

 Việt Nam cần cơ cấu lại thị trường du lịch  - ảnh 1
Hệ số sử dụng của các hãng hàng không Việt Nam trên các đường bay quốc tế chỉ đạt 60-64%. Ảnh Diễn đàn HK

Các hãng hàng không đã vào cuộc mở thêm nhiều đường bay quốc tế mới kết nối với các thị trường nguồn của du lịch Việt Nam như Ấn Độ, Frankfurt (Đức), London (Anh), San Francisco (Mỹ). Tuy nhiên khách du lịch quốc tế vẫn thấp nên hệ số sử dụng của các hãng hàng không Việt Nam trên các đường bay quốc tế chỉ đạt 60-64%.

Mới đây, Công ty VTĐS Sài Gòn đã tổ chức tour du lịch bằng tàu hỏa 5 ngày 4 đêm cho đoàn khách nước ngoài tham quan các địa danh du lịch nổi tiếng dọc theo bờ biển miền Trung. Chương trình được thiết kế riêng biệt cho đoàn hơn 20 khách nước ngoài, bao gồm 2 toa xe hạng, có thực đơn riêng với các món đặc sản vùng miền.

Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt ra các mục tiêu khách du lịch quốc tế đạt 8 triệu lượt; khách du lịch nội địa 102 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng. Thực tế 2 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,8 triệu lượt, khách nội địa đạt 20 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 85,6 nghìn tỷ đồng là những con số không tồi nhưng so với các nước khu vực vẫn thấp. Việc Trung Quốc mãi đến 15/3 mới công bố nối lại các tour du lịch đến Việt Nam khiến lượng khách du lịch quốc tế chưa đạt như kỳ vọng.

 Việt Nam cần cơ cấu lại thị trường du lịch  - ảnh 2

Trong khi đó, Tổng cục Du lịch Thái Lan cho rằng, lượng khách nước ngoài trong năm nay có thể vượt quá 30 triệu, nhất là sau khi Trung Quốc cho phép tổ chức du lịch nước ngoài theo đoàn lớn từ ngày 6/2. Dự kiến doanh thu du lịch Thái lan trong năm nay có thể đạt trên 91 tỷ USD. Trong dịp Tết Nguyên Đán Thái Lan đón những 1,38 triệu lượt khách quốc tế, còn Việt Nam chỉ đón được có 16.000 thôi, thấp hơn những 90 lần. Thái Lan hiện có một website quốc gia và một ứng dụng quốc gia chuyên nghiệp cho riêng lĩnh vực du lịch.

Làm thế nào để tăng tốc phát triển?

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì (15/3) tất thảy các đại biểu tham dự đều thấy tính cấp thiết của việc phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch. Năm 2019, trước khi co dịch Covid-19, ngành du lịch có khoảng 40.000 doanh nghiệp với 1,5 triệu lao động trực tiếp và 2,5 triệu lao động gián tiếp, lực lượng rất lớn. Phát triển du lịch chính là góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội. Chúng ta đang phấn đấu du lịch chiếm tỷ trọng từ 10 đến 13% GDP tiến tới như những nước phát triển như Châu Âu, du lịch chiếm tỷ trọng từ 20 -30%.

 Việt Nam cần cơ cấu lại thị trường du lịch  - ảnh 3
Đua ngựa là sản phẩm du lịch độc đáo của Lào Cai. Ảnh HH

 

“So sánh với du lịch Thái Lan và các nước khu vực, nổi lên 2 điểm mấu chốt, hay gọi là 2 nguyên nhân chính, đó là phải phát triển thêm sản phẩm du lịch đặc sắc và chính sách visa cho du khách quốc tế. Theo đó, chúng ta cần miễn visa cho nhiều nước hơn, hãy cấp visa dài ngày hơn; hãy xác định đâu là các sản phẩm du lịch chính hấp dẫn du khách quốc tế”,  Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam TS Phạm Thành Trí đề xuất.

Đây là cơ hội để Chính phủ, các bộ ngành liên quan, các địa phương cơ cấu lại thị trường du lịch; theo đó phải có những phân tích, tính toán lại thị trường khách, phân tích và dự báo trên cơ sở kế thừa thị trường khách truyền thống, tiếp cận theo hướng thị trường khách tiềm năng, chú ý tới thị trường Bắc Âu, Mỹ và một số thị trường khác ngoài các thị trường truyền thống.

Thực tế, du lịch Việt Nam cần xác định được mục tiêu xây dựng sản phẩm đúng với nhu cầu du lịch, "khách châu Á có nhu cầu du lịch khác, khách châu Âu có nhu cầu khác".

Đối với khách du lịch quốc tế, mặc  Trung Quốc đại lục vẫn tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về quy mô “lớn nhất” của thị trường khách quốc tế đến Việt Nam nhưng Hàn Quốc mới thực sự là nước có lượng khách du lịch đến Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2010 trở lại.

 Việt Nam cần cơ cấu lại thị trường du lịch  - ảnh 4
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì . Ảnh TTXVN

Điều này có thể được giải thích một phần bởi những nỗ lực của ngành du lịch nước ta trong triển khai chính sách thu hút du khách quốc tế và phần khác là do nhu cầu khách Hàn Quốc đến Việt Nam không chỉ đơn thuần nhằm mục đích du lịch-nghỉ ngơi mà còn kết hợp kinh doanh (chủ yếu thông qua các hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài).

Năm 2019, trong 5 triệu khách Hàn Quốc đến Việt Nam thì có hơn 1 triệu khách đi đánh golf, mang đến doanh thu hàng tỉ USD cho ngành du lịch.

Chúng tôi đề nghị giảm hoặc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với khách đi đánh golf là khách du lịch để thu hút thêm nhiều đối tượng khách hạng sang này tới Việt Nam" - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đề xuất.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG kỳ vọng Chính phủ sẽ ban hành nhiều giải pháp để đón khách quốc tế có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày. Bà Nguyễn Thị Nga cho biết đối tượng khách quốc tế cao cấp có mức chi tiêu cao gấp 2 - 3 lần đối tượng khách bình thường, trung bình 200 - 300 USD/ngày, thời gian lưu trú 3 - 4 ngày. Mới đây, khách sạn của BRG ở Phú Quốc tổ chức đám cưới cho tỉ phú Ấn Độ, trong 5 ngày thu về doanh thu trên 7 tỉ đồng. 

"Trong dòng khách cao cấp, lưu trú dài ngày, đối tượng khách chơi golf là tiềm năng lớn nhất với du lịch Việt Nam hiện nay. Trong 2017 và 2022, Việt Nam được vinh danh là điểm đến du lịch golf tốt nhất, chúng ta cũng đã tổ chức được những giải golf hàng đầu châu Á.

Tuy vậy, chính sách thuế đối với khách du lịch chơi golf khá "nặng". Khách phải thuế thu nhập cá nhân cộng tiêu thụ đặc biệt lên tới 30%, trong khi các nước xung quanh chỉ thu từ 5 - 7% khiến họ chuyển hướng sang Thái Lan. " - bà Nguyễn Thị Nga nêu ý kiến.

Khách du lịch golf đến Việt Nam phải thuế thu nhập cá nhân cộng tiêu thụ đặc biệt lên tới 30%, trong khi các nước xung quanh chỉ thu từ 5 - 7% khiến họ chuyển hướng sang Thái Lan. " - bà Nguyễn Thị Nga nêu ý kiến.

“Đây là thời điểm quan trọng để thay đổi tư duy về tầm quan trọng của giá trị tích hợp du lịch nông nghiệp, nông thôn, một phân ngành của kinh tế du lịch.

Với cách tiếp cận này, đề nghị Bộ VHTTDL xem xét chính thức đưa du lịch nông nghiệp, nông thôn vào chương trình du lịch quốc gia để quảng bá và kích hoạt góp phần làm phong phú hơn tài nguyên du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới” Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu.

Việt Nam quyết tâm chuyển từ "cung cấp cái mình có" sang "cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần"; phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững, từ du lịch "một mùa" sang hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần, cảm nhận được sự an toàn, thân thiện.