HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Viện Dầu khí Việt Nam dự báo giá xăng bán lẻ giảm mạnh nhất từ đầu năm

Theo TTXVN

Ngày 9/5 tới, giá xăng bán lẻ sẽ giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay (có thể lên đến 4,9-5,4%), trong khi đó Liên Bộ Tài chính-Công Thương sẽ không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Mua bán xăng, dầu tại điểm kinh doanh xăng dầu Petrolimex trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Mua bán xăng, dầu tại điểm kinh doanh xăng dầu Petrolimex trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho thấy tại kỳ điều hành ngày 9/5 tới đây, giá xăng bán lẻ sẽ có đợt giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay (có thể lên đến 4,9-5,4%), trong khi đó Liên Bộ Tài chính-Công Thương sẽ không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Theo ông Đoàn Tiến Quyết, chuyên gia phân tích dữ liệu của VPI, mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng mô hình mạng neural nhân tạo (Artificial Neural Network - ANN) và thuật toán học có giám sát (Supervised Learning) trong Machine Learning của VPI dự báo giá xăng bán lẻ tại kỳ điều hành ngày 9/5 tới có thể giảm mạnh từ 1.174-1.336 đồng, đưa giá xăng về mức 22.736 đồng/lít (E5 RON 92) và 23.614 đồng/lít (RON 95-III).

Mô hình của VPI dự báo giá dầu bán lẻ kỳ này có chung xu hướng giảm (từ 1,1-4,2%), đưa giá dầu về mức 19.837 đồng/lít (dầu Diesel), 19.687 đồng/lít (dầu hỏa) và 17.469 đồng/kg (dầu mazut). Liên Bộ Tài chính-Công Thương kỳ này được dự báo sẽ không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Chuyên gia Đoàn Tiến Quyết lưu ý giá cả các mặt hàng xăng dầu trên thị trường thế giới đang vận động trong khung giảm giá, nên mức giảm giá bán lẻ trong nước còn có thể sâu hơn tại thời điểm cuối cùng công bố giá bán lẻ.

Trên thị trường thế giới, cả hai loại dầu chủ chốt đều ghi nhận mức giảm giá mạnh nhất tính theo tuần trong ba tháng, trong đó giá dầu Brent tuần trước đã giảm hơn 7% và giá dầu WTI giảm 6,8%, do các nhà đầu tư xem xét dữ liệu việc làm yếu kém của Mỹ và thời điểm có thể cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Thị trường năng lượng thế giới cũng chịu áp lực từ nhu cầu toàn cầu suy yếu, lượng hàng tồn kho tăng sau khi Chính phủ Mỹ báo cáo dự trữ dầu thô bất ngờ tăng vọt.

Bên cạnh đó, nhu cầu dầu diesel trên toàn thế giới sụt giảm cũng làm dấy lên mối lo ngại về việc tăng trưởng nhu cầu dầu chậm lại ở các nền kinh tế lớn. Dữ liệu từ Công ty tư vấn Insights Global cho thấy tồn kho xăng và dầu diesel tại trung tâm lưu trữ và lọc dầu Amsterdam-Rotterdam-Antwerp của châu Âu tăng hơn 3% trong tuần tính đến thứ ngày 2/5 vừa qua.

Để hỗ trợ giá dầu, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và những quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, có thể gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng nếu nhu cầu không tăng./.