Tỉnh có mỏ vàng lớn nhất Việt Nam, là nơi duy nhất nước ta có 2 Di sản văn hóa thế giới
(Thị trường tài chính) - Đây cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai mô hình Khu Kinh tế mở.
Tỉnh Quảng Nam có diện tích 10.406km2, nằm ở vị trí trung tâm miền Trung Việt Nam, thuộc vùng kinh tế trọng điểm cùng với Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Đây cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai mô hình Khu Kinh tế mở. Với vị trí địa lý thuận lợi, Quảng Nam dễ dàng kết nối với các địa phương khác của Việt Nam và thế giới, đồng thời sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, tạo ra nhiều tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển mạnh mẽ.
Tỉnh Quảng Nam có diện tích 10.406km2, nằm ở vị trí trung tâm miền Trung Việt Nam. Ảnh: Internet
Đặc biệt, đây cũng là nơi duy nhất ở Việt Nam có hai Di sản văn hóa thế giới: Khu đền tháp cổ Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An. Nơi đây có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, nổi bật với vẻ đẹp hoang sơ và nhiều loài sản vật quý hiếm. Bên cạnh đó, Quảng Nam sở hữu 125km đường bờ biển với những bãi cát trắng, nắng vàng cùng các bãi biển nổi tiếng, được tạp chí Forbes bình chọn là một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới, rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.
Đặc biệt, đây cũng là nơi duy nhất ở Việt Nam có hai Di sản văn hóa thế giới. Ảnh: Vietnamtourism
Xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển, tên gọi Quảng Nam với ý nghĩa là “vùng đất rộng lớn về phương Nam” đã sớm trở thành vùng đất “địa linh nhân kiệt,” nơi sản sinh ra nhiều tài danh và hào kiệt cho đất nước. Quảng Nam còn được biết đến là “đất văn hóa,” “đất khoa bảng,” là mảnh đất “trung dũng kiên cường,” giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, quê hương của nhiều danh nhân kiệt xuất và các Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, Quảng Nam có điều kiện tốt để giao lưu và hợp tác kinh tế với các địa phương trong nước cũng như các nước láng giềng. Ảnh: Internet
Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, Quảng Nam có điều kiện tốt để giao lưu và hợp tác kinh tế với các địa phương trong nước cũng như các nước láng giềng. Đặc biệt, đây là một trong số ít địa phương có đầy đủ cả sân bay, cảng biển, đường sắt và quốc lộ, đồng thời là nơi đầu tiên trong cả nước triển khai mô hình Khu Kinh tế mở với các chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn. Quảng Nam có Khu Kinh tế mở Chu Lai – khu kinh tế ven biển đầu tiên của Việt Nam, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực theo tiêu chuẩn quốc tế.
Khu Kinh tế mở Chu Lai là khu kinh tế ven biển đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Việt Nam Hội Nhập
Quảng Nam còn được mệnh danh là vùng đất có trữ lượng vàng lớn nhất Việt Nam, với nhiều mỏ vàng có giá trị cao. Trong đó, mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn được đánh giá là hai mỏ vàng lớn nhất, với tổng trữ lượng ước tính khoảng 20 tấn, theo Báo Tri thức và Cuộc sống.
Mỏ vàng Bồng Miêu ở Quảng Nam là mỏ vàng có trữ lượng lớn nhất cả nước, với sản lượng ước tính 12,4 tấn và được mệnh danh là "lãnh địa vàng". Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu được cấp phép khai thác mỏ này từ năm 1992, với thời hạn giấy phép đến ngày 5/3/2016. Đến cuối năm 2018, công ty này phá sản và dừng khai thác.
Theo CTTĐT huyện Tiên Phước, Quảng Nam, để đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường, tháng 3/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu. Dự án đóng cửa mỏ bắt đầu thi công từ ngày 22/7/2023, với tổng kinh phí hơn 19,5 tỷ đồng.
Mỏ vàng Bồng Miêu ở Quảng Nam là mỏ vàng có trữ lượng lớn nhất cả nước, với sản lượng ước tính 12,4 tấn và được mệnh danh là "lãnh địa vàng". Ảnh: Báo Thanh Niên
Mỏ vàng Phước Sơn với trữ lượng ước tính khoảng 7,2 tấn từng tái khởi động hoạt động khai thác vào tháng 8/2016. Trước đó, Công ty vàng Phước Sơn đã tạm dừng sản xuất trong hai năm. Ngoài 2 mỏ vàng lớn là Bồng Miêu và Phước Sơn, hầu hết các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam đều có quặng vàng rải rác tại các con sông, suối.