Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng số 1 thế giới
(Thị trường tài chính) - Xuất siêu duy trì 8 năm liên tiếp; thương mại điện tử tăng trưởng số 1 thế giới; thương mại trong nước tăng trưởng mạnh mẽ; nhiều dự án năng lượng quan trọng được tháo gỡ khó khăn, hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ... là những kết quả nổi bật nhất của ngành Công Thương năm 2023.
Sáng 20/12, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành Công Thương. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và chỉ đạo hội nghị.
Xuất siêu 8 năm liên tiếp, thương mại điện tử tăng trưởng số 1 thế giới
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, năm 2023, Bộ đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp.
Thương mại điện tử tiếp tục giữ vững vị trí top đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số, với quy mô năm 2023 dự kiến đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022.
Nhiều dự án năng lượng quan trọng được tập trung tháo gỡ khó khăn, hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ: đưa vào vận hành Kho cảng LNG 1 triệu tấn/năm Thị Vải và triển khai loạt dự án điện khí LNG; khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và hoàn thành sửa chữa các tổ máy Nhiệt điện; Khẩn trương triển khai các dự án đường dây 500 kV mạch 3, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số, đặc biệt trong thực hiện thủ tục hành chính, xây dựng dịch vụ công trực tuyến với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Đến tháng 11/2023, Cổng Dịch vụ công (DVC) Bộ Công Thương đang cung cấp 236 DVC trực tuyến, với hơn 49.000 doanh nghiệp tham gia khai báo. Tổng số hồ sơ nộp qua các DVC trực tuyến của Bộ là gần 1,7 triệu bộ hồ sơ, chiếm 99% tổng số hồ sơ được gửi đến; đồng thời, đã kết nối 16 nhóm DVC trực tuyến với Cơ chế một cửa quốc gia (VNSW), thực hiện 300.475 bộ hồ sơ trong năm 2023...
Gỡ khó cho doanh nghiệp, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận, biểu dương những thành tích ngành Công Thương đạt được trong năm 2023, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, tình hình quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực, nhiều chiều đến quá trình phục hồi, phát triển kinh tế trong nước.
Nói về triển khai nhiệm vụ năm tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, năm 2024 là năm có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện các mục tiêu Kế hoạch 5 năm (2021-2025). Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Sau hội nghị, lãnh đạo Bộ sẽ chỉ đạo bổ sung, hoàn thiện Kế hoạch hành động của ngành Công Thương năm 2024. Toàn ngành tập trung tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra với nỗ lực cao nhất ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành quán triệt, tiếp thu và triển khai thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại hội nghị; tập trung một số giải pháp.
Trước tiên là tiếp tục nghiên cứu, tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị định, cơ chế chính sách có vai trò quan trọng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời, chủ động đề xuất với cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách có tính đột phá...
Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng, quan trọng và công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao...
Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động tham mưu khai thác các cơ hội từ quan hệ đối ngoại với các nước lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư các ngành trọng điểm sang nước thứ 3 của các tập đoàn đa quốc gia nhằm chống đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là trong lĩnh vực Việt Nam đang có lợi thế, như: công nghiệp điện tử, hạ tầng số, hạ tầng logistics, năng lượng sạch, công nghiệp vật liệu mới, Chíp và chất bán dẫn.
Tại hội nghị, Bộ Công Thương đã công bố quyết định khen thưởng trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhì và Hạng Ba của Chủ tịch nước cho 2 cá nhân thuộc Bộ; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 cá nhân thuộc Bộ Công Thương, đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2018 - 2022 góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Bộ Công Thương tặng Cờ thi đua cho 6 tập thể thuộc Cơ quan Bộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, dẫn đầu trong phong trào thi đua của Bộ năm 2022.