Thị trường thực phẩm chức năng: Doanh thu tỷ đô, bát nháo trên “chợ” mạng
(Thị trường tài chính) - Thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) Việt Nam đang tăng trưởng mạnh, mở ra cơ hội tỷ đô cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, kênh bán online lại xuất hiện nhiều sản phẩm giả, quảng cáo sai sự thật, gây rủi ro lớn cho người tiêu dùng.
Tiềm năng lớn, doanh nghiệp nội chiếm ưu thế
Theo báo cáo từ Euromonitor, thị trường TPCN Việt Nam đạt quy mô khoảng 2,4 tỷ USD vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dự kiến đạt 7% trong giai đoạn 2023–2028. Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) ghi nhận mức tăng trưởng trung bình 15%/năm, với hơn 60% người tiêu dùng biết và sử dụng sản phẩm. Tỷ lệ người lớn trên 18 tuổi sử dụng TPCN đã lên tới 58,5% vào năm 2021, cho thấy nhu cầu ngày càng tăng cao.

Hiện có hơn 3.100 cơ sở sản xuất và gần 12.000 sản phẩm đang lưu hành. Các sản phẩm nội địa chiếm khoảng 60–80% thị phần, với nhiều thương hiệu Việt khẳng định vị thế bằng các dòng sản phẩm từ thảo dược, công nghệ sinh học và nguyên liệu bản địa.
Về mặt quản lý, Bộ Y tế cùng các đơn vị liên quan đang siết chặt các khâu cấp phép và hậu kiểm. Các doanh nghiệp TPCN buộc phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đồng thời đăng ký công bố sản phẩm theo quy định. VAFF cũng đặt mục tiêu nâng tỷ lệ sản phẩm trong nước lên 80% và tỷ lệ người trưởng thành sử dụng TPCN đạt 80% vào năm 2027, đồng thời hướng tới 5 tỷ USD xuất khẩu.
Kênh bán online: Bùng nổ cơ hội, tiềm ẩn rủi ro
Thị trường TPCN online đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh. Theo Metric, từ tháng 11/2023 đến tháng 11/2024, doanh số bán hàng thực phẩm chức năng trên các nền tảng thương mại điện tử đạt khoảng 5.000 tỷ đồng (gần 200 triệu USD) với 18 triệu sản phẩm được tiêu thụ. Các kênh như Shopee, Tiki, Lazada, TikTok Shop, Facebook trở thành mặt trận sôi động, nơi hàng trăm nhãn hàng cạnh tranh bằng chiến lược quảng cáo, giảm giá và livestream.
Tuy nhiên, chính sự dễ tiếp cận và tốc độ tăng trưởng quá nhanh của kênh online lại tạo ra tình trạng thiếu kiểm soát, khiến thị trường trở nên bát nháo, đặc biệt với các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có công bố hợp pháp hoặc bị gắn mác "xách tay", "hàng nội địa Nhật, Hàn", "thuốc bổ của bác sĩ nổi tiếng"… để đánh vào tâm lý người mua.
Các cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều vụ bán thực phẩm chức năng giả gây rúng động.
Ngày 13/5, đại diện Công ty Pharmacity cho biết 4 sản phẩm gồm: PMC Hoạt Huyết, PMC Gingko Biloba, PMC Joint Care, PMC Liver Support.
Các thực phẩm chức năng này do Công ty TNHH Công nghệ Herbitech sản xuất, được Công ty TNHH Dược phẩm Hoàng Giang Sài Gòn đăng ký, công bố và phân phối. Cuối tháng 4/2025, trong hơn 200 sản phẩm do Công ty công nghệ Herbitech sản xuất, công an xác định có hai thực phẩm bảo vệ sức khỏe là Baby Shark và Medi Kid Calcium K2 đã bị làm giả. Hiện, ông Phạm Vũ Khiêm, Giám đốc Công ty cùng 3 đồng phạm đã bị bắt.
Cũng mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cùng 4 cán bộ khác về hành vi nhận hối lộ. Các bị can bị cáo buộc nhận tiền từ doanh nghiệp để bỏ qua các vi phạm trong quá trình thẩm định, hậu kiểm và cấp phép cho các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng giả. Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã thu giữ khoảng 100 tấn thực phẩm chức năng giả tại các kho chứa và cơ sở sản xuất liên quan.
Trước đó, vào tháng 3/2025, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định vừa phát đi thông báo tìm hàng nghìn bị hại trong vụ án lừa bán thực phẩm chức năng thành thuốc trị bệnh. Theo đó, cặp vợ chồng Trần Thị Thu Phương và Nguyễn Mạnh Trường đã thành lập Công ty TNHH NTA Group, sử dụng kịch bản “bác sĩ gọi điện tư vấn” để lừa hàng nghìn người dân mua thực phẩm chức năng không có tác dụng điều trị. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định đã kiểm tra, sàng lọc có tổng cộng 11.979 mã đơn hàng đã giao dịch thành công, liên quan đến 7.402 khách hàng (bị hại) thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Cuối năm 2024, hai thanh niên tại Thanh Hóa đã bị bắt giữ vì mua nguyên liệu, tem nhãn để tự sản xuất thực phẩm chức năng giảm đau xương khớp giả tại nhà, rồi bán ra thị trường. Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố, bắt tạm giam các đối tượng này.
Cũng trong năm 2024, vụ việc một số đối tượng đã thiết lập tổng đài tư vấn giả mạo bác sĩ để lừa bán thực phẩm chức năng, quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng khiến nhiều người sửng sốt. Bộ Y tế đã cảnh báo về tình trạng này và yêu cầu cán bộ y tế tuyệt đối không tham gia vào quảng cáo thực phẩm chức năng để đảm bảo uy tín của ngành.
Báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy, số lượng hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm quảng cáo trong ngành TPCN gia tăng đáng kể, đặc biệt trên môi trường mạng. Nhiều sản phẩm bị phát hiện quảng cáo sai công dụng, vi phạm quy định ghi nhãn, không có công bố hoặc bị làm giả dưới dạng viên nang, bột, siro. Không ít cá nhân, hội nhóm bán hàng online chưa được cấp phép hoạt động, không có chuyên môn y tế nhưng vẫn tư vấn sử dụng sản phẩm như “thần dược”.
Dù các cơ quan chức năng liên tục ra quân xử lý, thực trạng này vẫn chưa được kiểm soát triệt để, đặc biệt khi người tiêu dùng dễ bị đánh lừa bởi các chiêu trò truyền thông, hình ảnh người nổi tiếng, bác sĩ giả, hoặc review dàn dựng.
Để cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững, doanh nghiệp cần đầu tư nghiêm túc vào chất lượng sản phẩm, minh bạch thông tin, tuân thủ quảng cáo đúng quy định, đồng thời nâng cao trải nghiệm khách hàng và chăm sóc sau bán. Người tiêu dùng cũng cần thận trọng, chỉ mua hàng từ nhà phân phối uy tín, có giấy tờ hợp lệ, đồng thời hiểu đúng vai trò “hỗ trợ” chứ không phải “thay thế thuốc chữa bệnh” của thực phẩm chức năng.