Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam vượt con số 180 tỷ USD
(Thị trường tài chính) - Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ với các nhà bán lẻ khi quy mô vượt con số 180 tỷ USD. Đây là thời cơ để các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, mở rộng phân phối với các sản phẩm chất lượng thương hiệu quốc gia.
Đó là chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp chia sẻ tại Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức chiều 11/12, tại Hà Nội.
Chương trình thường niên này do Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Tạp chí Công Thương thực hiện. Diễn đàn là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện thuộc Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” năm 2023.
Hàng Việt chiếm tỷ trọng lớn trên các kệ siêu thị
Tại diễn đàn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết, hơn 14 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt Nam có thế mạnh (đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, hàng tiêu dùng) đã, đang và tiếp tục bao phủ rộng khắp các mạng lưới phân phối từ các kênh phân phối truyền thống tới các hệ thống phân phối hiện đại.
Theo báo cáo của các địa phương, trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hóa sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90% như Co.opmart (90%), Winmart (90%), BRG Retail (80 - 90%),... Các hệ thống phân phối có vốn đầu tư nước ngoài như Aeon, Central Retail, MMMegaMarket, LotteMart… cũng có nhiều nỗ lực trong việc đóng góp cho cộng đồng nơi mở cơ sở kinh doanh bằng việc thu mua, hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm địa phương, đặc sản vùng miền (OCOP, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hàng chủ lực của địa phương,…) và giữ tỷ lệ hàng Việt Nam cao trong kênh phân phối.
Các diễn giả, doanh nghiệp chia sẻ nâng vị thế, gia tăng nhận diện hàng Việt Nam. Ảnh: Khắc Kiên
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho biết, ngành dệt may xuất khẩu rất lớn, với kim ngạch năm 2023 đạt hơn 40 tỷ USD. Hàng Việt Nam không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà vươn ra chinh phục người tiêu dùng nước ngoài. "Nếu đi tới các nước phát triển trên thế giới, trên các kệ hàng có rất nhiều sản phẩm made in Việt Nam. Đây là điều rất đáng tự hào" - ông Trương Văn Cẩm nói.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, các doanh nghiệp Việt những năm qua đã không ngừng nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm, đa dạng các loại hình kinh doanh để sản phẩm được tiếp cận nhiều nhất tới người tiêu dùng.
Chỉ trong năm 2023 đã có 519 Doanh nghiệp đạt chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn, sử dụng. Báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Cimigo cho thấy, 82% người tiêu dùng Việt Nam sẽ ưu tiên mua hàng Việt Nam nếu có sự lựa chọn.
Xu hướng thay đổi
Qua thảo luận, một số ý kiến đánh giá, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện và nhu cầu tiêu dùng cũng ngày được nâng cao.
Số liệu từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy, tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người Việt Nam giai đoạn 2017 - 2022 đạt 8,5%, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và cao gần gấp đôi mức bình quân tăng trưởng của thế giới. Thị trường bán lẻ Việt Nam cũng được ATKearney xếp thứ 9 trong 35 quốc gia về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) năm 2021.
Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đã vượt con số 180 tỷ USD trong năm 2023 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Đồng thời, xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Số liệu 9 tháng năm 2023 của tổ chức nghiên cứu thị trường Euromonitor: Thương hiệu và chất lượng sản phẩm vẫn là một trong những yếu tố then chốt trong quyết định mua hàng của người Việt khi 26,1% người tiêu dùng Việt thường xuyên mua hàng từ các thương hiệu nổi tiếng; 35,8% sẵn sàng mua ít hơn, nhưng sẽ lựa chọn các sản phẩm chất lượng cao.
Những yếu tố trên tạo ra cho Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ với các nhà bán lẻ. Đây cũng là thời cơ để các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, mở rộng kênh phân phối trong nước cho hàng Việt Nam có chất lượng và thương hiệu quốc gia, các sản phẩm chủ lực của các địa phương, sản phẩm của các nghệ nhân của các làng nghề truyền thống thuộc về nhóm các sản phẩm “Tinh hoa hàng Việt Nam”, hướng tới chuẩn toàn cầu.
Để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam trong thời gian tới, bà Lê Việt Nga nhấn mạnh, có 4 nhóm giải pháp đã được thực hiện đồng bộ là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động; Rà soát, bổ sung, ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, không trái với quy định của tổ chức Thương mại thế giới (WTO); Hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước; Đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh công tác quản lý thị trường.