HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Năm Rồng, điểm tựa nào cho doanh nghiệp bay xa?

Phương Nga

Thitruongtaichinh - Sự ổn định kinh tế vĩ mô, cùng chính sách tài khóa linh hoạt, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện… là những điểm tựa quan trọng để đội ngũ doanh nghiệp kỳ vọng tăng tốc, thoát được đáy khó khăn trong năm Giáp Thìn 2024.

Bàn đạp từ chính sách

2024 là năm tăng tốc để hoàn thành cao nhất các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, cũng là giai đoạn nền tảng giữa kỳ hướng tới các mục tiêu phát triển đến năm 2030. Ngay đầu năm nay, Chính phủ cũng đã thống nhất chủ đề điều hành của năm 2024 với thông điệp hành động: “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo và hiệu quả bền vững”.

Theo dự báo của các chuyên gia, tăng trưởng kinh tế 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế; các động lực về đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ; các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.

Chính sách hỗ trợ của Chính phủ là động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp trong năm 2024.
Chính sách hỗ trợ của Chính phủ là động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp trong năm 2024.

Điểm sáng nữa là hội nhập quốc tế năm qua rất mạnh mẽ. Lạm phát và lãi suất đang giảm, tỷ giá cơ bản ổn định, rủi ro nợ xấu trong tầm kiểm soát; thị trường chứng khoán và bất động sản có dấu hiệu phục hồi.

Động lực lớn nữa đó là một loạt các luật quan trọng đã và đang được thông qua nhất là Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản… Đây là những nền tảng pháp lý vô cùng quan trọng, là động lực phát triển tốt hơn cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Đặc biệt, nhận thức được tầm quan trọng cần phải có một công cụ hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó cải thiện môi trường kinh doanh được coi là công cụ, gói hỗ trợ ít tốn kém nhất, ngay những ngày đầu năm 2024, Chính phủ đã quyết định ban hành riêng Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia. Sự quay trở lại của Nghị quyết như một sự động viên với cộng đồng doanh nghiệp, tạo ra một niềm tin - một động lực để các doanh nghiệp thấy rằng Chính phủ đang đồng hành với họ.

Trong Nghị quyết 02/NQ-CP, Chính phủ đặt ra 7 giải pháp trọng tâm bao gồm: Tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư; nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính. Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp. Hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững và nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.

Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) Nguyễn Minh Thảo đánh giá, đây là cơ hội để doanh nghiệp quyết định tiếp tục thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh và cũng tạo ra áp lực để các bộ, ngành, địa phương có sự thay đổi vì doanh nghiệp, vì sự phát triển nói chung.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Bước sang năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng dưới 10% so với năm 2023.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều diễn biến bất thường, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh nhận định, tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ còn khó khăn, đặc biệt là các ngành nghề sản xuất truyền thống. Doanh nghiệp càng lớn thì lượng đơn hàng sụt giảm càng sâu do sức mua kiệt quệ. Sự phục hồi ở một số ngành hàng, doanh nghiệp hiện nay chỉ mới là “đốm sáng” trong bức tranh chung. Hơn lúc nào hết, cộng đồng doanh nghiệp vẫn cần sự chung tay hỗ trợ từ Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương để các chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ giảm lãi suất, thuế, phí, cải cách hành chính…

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) khẳng định, năm 2024 tiếp tục là năm khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp do quá trình phục hồi kinh tế thế giới vẫn còn chậm, nhu cầu về hàng hóa, nguyên vật liệu cho sản xuất, kinh doanh sẽ giảm, trong khi thu nhập của người dân không cao, nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng không lớn.

Vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thời gian tới, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục kết nối các ngân hàng, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp. Cùng với đó, duy trì chính sách hỗ trợ trong thời gian tới, nhất là chính sách gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng 2% như một cách thêm động lực giúp doanh nghiệp tiếp tục đà phục hồi.

Về phía các doanh nghiệp, cần nhanh chóng thay đổi chiến lược kinh doanh để bắt kịp nhu cầu khách hàng. Ngay cả các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm truyền thống cũng phải cập nhật, đón đầu các xu hướng và cải tiến sản phẩm, tận dụng mọi cơ hội vượt qua thách thức trước mắt.