HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Một số chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1/2024

HP

Thitruongtaichinh - Giảm thuế giá trị gia tăng 2%; xác nhận thông tin về cư trú có giá trị sử dụng 1 năm kể từ ngày cấp; người bị loạn thị vẫn đủ điều kiện nhập ngũ… là những chính sách mới có hiệu lực từ 1/1/2024.

Làm thủ tục hoàn thuế tại bộ phận “một cửa” Cục Thuế TP Hà Nội. Ảnh: Đỗ Tâm
Làm thủ tục hoàn thuế tại bộ phận “một cửa” Cục Thuế TP Hà Nội. Ảnh: Đỗ Tâm

Từ 1/1/2024, giảm thuế giá trị gia tăng 2%

Chính phủ ban hành Nghị định 94/2023/NĐ-CP ngày 28/12/2023 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội.

Cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định.

Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024.

Xác nhận thông tin về cư trú có giá trị sử dụng 1 năm

Thông tư 66/2023/TT-BCA sửa đổi, bổ sung điều 17 xác nhận thông tin về cư trú của Thông tư số 55/2021/TT-BCA.

Theo đó, công dân có thể yêu cầu cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của mình xác nhận thông tin về cư trú bằng hình thức yêu cầu trực tiếp tại trụ sở cơ quan đăng ký cư trú hoặc yêu cầu qua cổng dịch vụ công, ứng dụng VNeID hoặc dịch vụ công trực tuyến khác theo quy định của pháp luật.

Nội dung xác nhận thông tin về cư trú bao gồm thông tin về nơi cư trú hiện tại, các nơi cư trú trước đây, thời gian sinh sống tại từng nơi cư trú, hình thức đăng ký cư trú và các thông tin về cư trú khác đang có trong cơ sở dữ liệu về cư trú, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Xác nhận thông tin về cư trú có giá trị sử dụng 1 năm kể từ ngày cấp (trước đó, giấy xác nhận thông tin về cư trú do cơ quan công an xã, phường cấp có giá trị trong 30 ngày).

Thông tư 66/2023/TT-BCA có hiệu lực từ 1/1/2024.

Người bị loạn thị vẫn đủ điều kiện nhập ngũ

Thông tư số 105/2023 quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng cũng có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024.

Một trong những quy định đáng chú ý của thông tư là tiêu chuẩn chung về sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự, theo quy định là đạt sức khỏe loại 1, 2, 3.

Trong đó, loại 1 là tất cả các chỉ tiêu khám đều đạt điểm 1 - chỉ tình trạng sức khỏe rất tốt; loại 2 là có ít nhất một chỉ tiêu bị điểm 2 - chỉ tình trạng sức khỏe tốt; loại 3 là có ít nhất một chỉ tiêu bị điểm 3 - chỉ tình trạng sức khỏe khá; loại 4 là có ít nhất một chỉ tiêu bị điểm 4 - chỉ tình trạng sức khỏe trung bình; loại 5 là có ít nhất một chỉ tiêu bị điểm 5 - chỉ tình trạng sức khỏe kém và loại 6 là có ít nhất một chỉ tiêu bị điểm 6 - chỉ tình trạng sức khỏe rất kém.

Thông tư 105/2023 cũng có điểm mới về quy định việc chấm điểm các bệnh về mắt. Cụ thể, theo Thông tư liên tịch số 16/2016 hiện hành, người bị loạn thị (bao gồm tất cả các loại) sẽ bị chấm điểm 6, tức được xếp vào nhóm sức khỏe loại 6 - không đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự.

Tuy nhiên, tại thông tư mới ban hành, người viễn thị do sinh lý hoặc dưới 1 đi-ốp sẽ được chấm 2 điểm; lớn hơn hoặc bằng 1 đi-ốp sẽ được chấm 3 điểm. Trường hợp loạn thị đã phẫu thuật, hết loạn thị sẽ được chấm 3 hoặc 4 điểm tùy trường hợp.

Như vậy, với người đang loạn thị bị chấm điểm 2 mà các tiêu chuẩn sức khỏe khác không có tiêu chuẩn nào bị chấm điểm 3, 4, 5, 6 thì sẽ đạt sức khỏe loại 2, khi đó sẽ đủ điều kiện nhập ngũ bình thường.

Hay với người loạn thị bị chấm điểm 3, mà các tiêu chuẩn sức khỏe khác không có tiêu chuẩn nào bị chấm điểm 4, 5, 6 thì sẽ đạt sức khỏe loại 3, khi đó sẽ đủ điều kiện nhập ngũ bình thường.

Ngoài ra, thông tư cũng quy định danh mục các bệnh miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự như: tâm thần, động kinh, Parkinson, mù một mắt, điếc, di chứng do lao xương khớp, di chứng do phong, các bệnh lý ác tính (u ác, bệnh máu ác tính), người nhiễm HIV, người khuyết tật mức độ đặc biệt nặng và nặng.

Sửa quy định về kê khai, thu, nộp phí, lệ phí

Nghị định 82/2023/NĐ-CP ngày 28/11/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung tên điều và các khoản 1, khoản 2 và khoản 3 điều 3 như sau: Điều 3. Kê khai, thu, nộp phí, lệ phí và quyết toán phí.

Người nộp phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí theo tháng, quý, năm hoặc theo từng lần phát sinh; nộp phí, lệ phí cho tổ chức thu hoặc kho bạc nhà nước bằng các hình thức: Nộp trực tiếp bằng tiền mặt hoặc thông qua tổ chức tín dụng, tổ chức dịch vụ và hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Căn cứ tính chất, đặc điểm của từng khoản phí, lệ phí, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cụ thể hình thức nộp, kỳ kê khai, nộp phí, lệ phí cho phù hợp.

5 trường hợp bác sĩ có thể từ chối khám, chữa bệnh

Theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2024, có 5 trường hợp người hành nghề được từ chối khám bệnh, chữa bệnh.

Trường hợp 1, tiên lượng tình trạng bệnh vượt quá khả năng hoặc không thuộc phạm vi hành nghề của mình. Tuy nhiên, nhân viên y tế phải giới thiệu người bệnh đến người hành nghề khác hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phù hợp để khám bệnh, chữa bệnh và phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được người hành nghề khác tiếp nhận hoặc chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.

Trường hợp 2, việc khám bệnh, chữa bệnh trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp.

Trường hợp 3, người bệnh, thân nhân của người bệnh có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề khi đang thực hiện nhiệm vụ, trừ trường hợp người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi.

Trường hợp 4, người bệnh yêu cầu phương pháp khám bệnh, chữa bệnh không phù hợp với quy định về chuyên môn kỹ thuật.

Trường hợp 5, người bệnh, người đại diện của người bệnh không chấp hành chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của người hành nghề sau khi đã được tư vấn, vận động thuyết phục mà việc không chấp hành này có nguy cơ gây hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Ngoại trừ 5 trường hợp trên, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng cấm nhân viên y tế "từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh". Người bệnh cũng có quyền "được từ chối khám bệnh, chữa bệnh và rời khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh" nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản, trừ trường hợp bắt buộc chữa bệnh.